Tổng cục Du lịch tổ chức phổ biến Luật Du lịch 2017

Cập nhật:03/08/2017 14:04:05
(TITC) – Sáng ngày 1/8/2017, tại trụ sở cơ quan Tổng cục Du lịch đã diễn ra hội nghị phổ biến Luật Du lịch 2017. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Tổng cục Du lịch; lãnh đạo các Vụ, Văn phòng, đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục Du lịch cùng các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục Du lịch.


Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương đã giới thiệu những nét cơ bản về Luật Du lịch 2017, những điểm mới của Luật Du lịch 2017 so với Luật Du lịch 2005. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Du lịch được sửa đổi nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và thông lệ quốc tế. Luật Du lịch 2017 được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường thuận lợi hơn thu hút đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, cạnh tranh lành mạnh, đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Luật Du lịch 2017 gồm 9 chương, 78 điều (giảm 2 chương, 10 điều so với Luật Du lịch 2005) với các nội dung chính: Những quy định chung; Khách du lịch; Tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và quy hoạch về du lịch; Điểm du lịch, khu du lịch; Kinh doanh du lịch; Hướng dẫn viên du lịch; Xúc tiến du lịch, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Quản lý nhà nước về du lịch; Điều khoản thi hành.

Theo đó, một số điểm mới nổi bật trong Luật Du lịch 2017 như: Chính sách phát triển du lịch tại Điều 5 được sửa đổi, bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nội dung về khách du lịch được chuyển lên Chương II với quan điểm lấy khách du lịch làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch.


Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương giới thiệu Luật Du lịch 2017 tại hội nghị

Về dịch vụ lữ hành, Luật Du lịch 2017 bổ sung quy định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa để bảo đảm hiệu quả công tác quản lý và quyền lợi của khách du lịch. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép là Sở Du lịch, Sở VHTTDL các địa phương.

Về lưu trú du lịch, Luật Du lịch 2017 không yêu cầu cơ sở lưu trú phải đăng ký xếp hạng mà chuyển sang được tự nguyện đăng ký xếp hạng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này cũng có nghĩa các cơ sở lưu trú không được quyền tự xếp hạng cho mình. Luật quy định phân cấp thẩm định xếp hạng khách sạn 1-3 sao cho Sở Du lịch, Sở VHTTDL các địa phương, thẩm định xếp hạng khách sạn 4-5 sao thuộc thẩm quyền của Tổng cục Du lịch.

Về quy định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Luật Du lịch 2017 nêu rõ nguồn hình thành Quỹ gồm: (1) Vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp; (2) ngân sách nhà nước bổ sung hàng năm một phần trích từ nguồn thu phí tham quan, phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài; (3) nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; (4) các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Luật quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các cấp trong công tác quản lý nhà nước về du lịch. Ngoài ra, Luật Du lịch 2017 cũng có những điểm đổi mới về điều chỉnh các điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch quốc gia và khu du lịch cấp tỉnh, điều kiện kinh doanh vận tải khách du lịch, sản phẩm du lịch…

Ngày 19/6/2017, Luật Du lịch 2017 đã được thông qua tại tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV với tỷ lệ tán thành đạt 89,21%. Luật Du lịch 2017 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

 

Tin, ảnh: Thu Thủy

Nguồn: TITC