Du lịch nông thôn: Hướng đi mới nhìn từ Sin Suối Hồ

Cập nhật:10/12/2018 14:35:01
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã tới thăm bản du lịch người Mông ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu nhân dịp Hội nghị toàn quốc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch sẽ diễn ra vào ngày 6/12.

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm bản Sin Suối Hồ. Ảnh: VGP/Thành Chung

Sin Suối Hồ là một bản làng của 123 hộ người Mông thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nằm ngang lưng của đỉnh Sơn Bạc Mây (quanh năm mây trắng tụ), cách Quốc lộ 4D khoảng 1 giờ xe chạy.

Đứng ở Sin Suối Hồ có thể ngắm hoàn toàn thung lũng hoa dã quỳ vàng ruộm các triền núi, các thửa ruộng bậc thang và thác Trái tim (thác nước của người Mông có hình trái tim).

Khí hậu và khung cảnh tự nhiên tươi đẹp nhất của bản làng này là vào mùa xuân khi hoa đào, hoa mận nở rực rỡ các sắc màu hồng, trắng. Tuy nhiên, chính quyền huyện Phong Thổ và người dân cho biết những lúc trời mưa thì Sin Suối Hồ vẫn thu hút khách du lịch đến từ miền Nam và khách nước ngoài bằng các thác nước trong đại ngàn.

Lợi thế về thiên nhiên và tận dụng đầu tư của nhà nước phát triển đường nông thôn đã giúp người Mông ở Sin Suối Hồ phát triển du lịch khám phá trong gần 4 năm qua. Hiện nay, cả bản có 10 hộ gia đình phát triển mô hình du lịch homestay, đủ khả năng cung cấp dịch vụ lưu trú cho hơn 100 du khách/ngày đêm với giá 70.000 đồng/khách/đêm.

Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho biết nhiều hộ gia đình khác cũng đang tự đầu tư hoặc nâng cấp nhà nghỉ để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của khách du lịch. Bên cạnh đó, Sin Suối Hồ cũng phát triển mô hình chợ du lịch truyền thống của người Mông, bán các sản vật của địa phương như thuốc lá, thổ cẩm, ẩm thực gắn liền với không gian trình diễn các công đoạn sản xuất đặc trưng. Thậm chí, một sân khấu được xây dựng đơn giản ở trung tâm bản để biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc và một số nhà hàng của dân bản xây dựng với đặc sản Thắng cố và rượu Ngô phục vụ du khách.

Sin Suối Hồ dần nổi tiếng hơn với các du khách ưa khám phá khi gần 2 năm nay, cảnh đẹp của đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử- đỉnh núi cao thứ 3 của cả nước nằm cách đó không xa được "dân phượt" phát hiện và truyền tai nhau để chinh phục thì bản làng này là điểm "tập kết" và "xuất phát" lý tưởng.

Ông Hoảng A Sà- chủ của 2 homestay và 1 nhà hàng ở Sin Suối Hồ cho biết hiện nay địa danh Sin Suối Hồ chỉ được du khách truyền tai nhau, sắp tới ông sẽ tổ chức quảng bá mạnh mẽ ở trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài du lịch thì hoa lan rừng, thảo quả,… là nguồn thu nhập tăng thêm không nhỏ với đồng bào Mông ở Sin Suối Hồ. Ông Vàng A Chỉnh cho biết vụ hoa lan năm 2017 đã mang lại doanh thu 2 tỷ đồng cho các hộ dân, đồng thời tạo nên cảnh quan rực rỡ, hỗ trợ cho phát triển du lịch của bản.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An cho biết mô hình du lịch của dân bản Sin Suối Hồ đã lan ra nhiều bản, làng khác ở Tam Đường và một số huyện khác của Lai Châu, tạo ra một không khí mới trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch ở thôn, bản của tỉnh.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho biết Lai Châu có nhiều lợi thế về du lịch với cảnh quan của vùng Tây Bắc hùng vĩ. "Tây Bắc có 10 ngọn núi cao nhất nước thì có tới 6 ngọn núi nằm trên địa bàn Lai Châu. Ngoài việc khuyến khích đồng bào phát triển du lịch khám phá, Lai Châu và Chính phủ cũng cần có nghiên cứu trong dài hạn để thu hút các doanh nghiệp lớn đủ tâm đủ tầm tới phát triển tiềm năng này", bà Hạnh nói.

Với ý nghĩa đó, vào sáng ngày 6/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch tại tỉnh Lai Châu.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Bộ NN&PTNT) trong tổng thu nhập của người dân nông thôn hiện nay, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, thu nhập từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%. Do vậy, để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân nông thôn, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, cần phải đa dạng hoá ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó phát triển du lịch là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, vừa góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của người dân nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết kinh tế du lịch nước ta những năm qua đã không ngừng tăng trưởng vượt bậc. Hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương, hình thành hệ thống sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù trải dài từ Bắc tới Nam.

Các loại hình du lịch, như: trang trại đồng quê, miệt vườn, trải nghiệm làm nông dân, sinh thái,… đã phát triển, chiếm tỉ lệ ngày càng cao bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp ngày càng phát triển, tạo ra nhiều tour du lịch độc đáo, hấp dẫn, bước đầu được du khách đón nhận.

Một số tour đã trở thành thương hiệu để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, điển hình như: Tour một ngày làm nông dân cho du khách nước ngoài ở làng rau Trà Quế, Hội An (Quảng Nam); tour du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long; tour thưởng ngoạn phong cảnh ruộng bậc thang mùa lúa chín ở vùng cao tại Mù Cang Chải, Sapa, Pù Luông, Mai Châu; tour du lịch nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt... Dịch vụ homestay (lưu trú tại gia) được khai thác phổ biến tại nhiều vùng nông thôn, miền núi (như Quảng Nam, Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Đồng Tháp, An Giang…). Trong đó, một số mô hình homestay được đầu tư, vận hành và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, bài bản hướng tới tiêu chuẩn 5 sao (hệ thống homestay được tư vấn và quản lý bởi các công ty du lịch)…

Tuy nhiên, phần lớn hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam thời gian qua vẫn còn manh mún, đơn điệu, chưa có chiều sâu, chuyên nghiệp và chưa bền vững. Cụ thể, hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lặp. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, hoặc đã được đầu tư nhưng không đảm bảo chất lượng. Tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu. Nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, đặc biệt là lao động được đào tạo, có kỹ năng phục vụ, khả năng quản lý, điều hành cơ sở du lịch. Việc bồi dưỡng để người dân địa phương có kỹ năng trình diễn, thuyết minh, phục vụ khách chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động xúc tiến quảng bá cho du lịch nông nghiệp và nông thôn chưa được đầu tư đúng mức, chưa chuyên nghiệp, chưa có hệ thống và chưa đúng đối tượng,…

Những thuận lợi và khó khăn hiện nay của du lịch nông thôn sẽ được các địa phương, doanh nghiệp mổ xẻ tại Diễn đàn để Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thống nhất thực hiện phát triển du lịch ở địa bàn nông thôn trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Tổ quốc