Hà Giang: Khai thác tiềm năng kinh tế ở Hoàng Su Phì

Cập nhật:27/07/2020 17:17:23
Là huyện biên giới của tỉnh Hà Giang với điểm xuất phát thấp, trong mấy năm qua, Hoàng Su Phì đã phát huy được tiềm năng thế mạnh, phát triển vượt bậc và đến nay đã mang diện mạo mới.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy thế mạnh đất đai

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì tập trung lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Mở rộng diện tích trồng lúa, ngô giống mới có năng suất, sản lượng cao. Quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, cây trồng giá trị cao, tạo kinh tế hàng hóa có giá trị, như: Trồng thảo quả ở xã Hồ Thầu, chè shan tuyết ở Thông Nguyên và Nậm Tỵ... Do ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nên chè shan tuyết Hoàng Su Phì hiện có mặt ở nhiều siêu thị tại Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa... và xuất khẩu. Ông Hoàng Sùn Heng, chủ cây chè shan tuyết cổ hơn 600 tuổi, vòng thân hai người ôm, cao 4-5m, tán rộng 6-7m, 7-8 người trèo hái búp, ở thôn Nậm Piên, xã Nậm Tỵ hồ hởi khoe với chúng tôi: "Chè shan tuyết giúp nông dân ở đây thoát nghèo. Hiện bà con đang trồng cây chè con xen với chè cổ thụ vừa để tạo cảnh quan du lịch vừa cho năng suất cao hơn".

Ruộng bậc thang tại huyện Hoàng Su Phì thu hút khách du lịch tới tham quan.

Nhờ tập trung khai thác các nguồn lực, dư địa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế mà phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề truyền thống của toàn huyện năm 2020 dự kiến sẽ đạt khoảng 110 tỷ đồng, tăng gấp hai lần so với năm 2015. Tổng thu ngân sách 5 năm (2015-2020) ước đạt 900 tỷ đồng (tăng 42% so với giai đoạn trước). Theo ông Hoàng Đức Tân, Phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì: Trong nhiệm kỳ vừa qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, nhân dân đồng lòng thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm, nhân dân đóng góp hơn 375.700 ngày công và hiến gần 438.000m2 đất, huy động hơn 24,2 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện các tiêu chí của chương trình nông thôn mới. Đến nay, 100% xã, thị trấn trong huyện có đường nhựa, đường bê tông đến trung tâm; 100% có đường cơ giới đến thôn, xóm.

Tạo những bước đột phá

Đồng chí Đỗ Mạnh Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy cho hay: Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện sẽ lựa chọn xây dựng chương trình, đề án trọng tâm tập trung thực hiện, tạo sự đột phá cho phát triển bền vững. Huyện sẽ điều chỉnh, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn nội lực và ngoại lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Đặc biệt, Huyện ủy sẽ tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu các tổ chức cơ sở đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính... Đến nay, huyện Hoàng Su Phì đã bảo tồn và khai thác hiệu quả danh thắng ruộng bậc thang với 3.720ha, trải khắp trên 25/25 xã, thị trấn. Các làng văn hóa du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay, tổ chức sự kiện, lễ hội văn hóa diễn ra năng động, thu hút khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, La Chí, Phù Lá...

Theo anh Lý Văn Tẩn, Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện: Phát triển môi trường văn hóa kích cầu du lịch, huyện đã xây dựng 199 nhà văn hóa thôn. Gần 10.000/13.800 hộ của huyện đạt tiêu chuẩn văn hóa. Huyện cũng đổi mới hình thức quảng bá, giới thiệu về du lịch, các sản phẩm chủ lực với việc lập mới 2 website, 2 trang fanpage Facebook, nâng cấp 24 trang thông tin điện tử; phủ sóng truyền hình đạt 100%. Các tuyến du lịch được mở rộng, trong đó có những hình thức mới như trải nghiệm dù lượn ngắm mùa vàng ở xã Nậm Tỵ và Thông Nguyên. Theo đó, mấy năm qua, số lượng du khách đến Hoàng Su Phì đạt trung bình 50.000 lượt khách/năm. Huyện có 40 homestay, 13 khách sạn, nhà nghỉ; 4 hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và 14 công ty lữ hành khai thác du lịch.

Do cấp ủy, chính quyền vào cuộc quyết liệt, tạo điều kiện thuận lợi, người dân đồng thuận nên du lịch Hoàng Su Phì khởi sắc. Trò chuyện với chúng tôi, anh Triệu Mềnh Kinh, Giám đốc HTX du lịch cộng đồng Nậm Hồng, xã Thông Nguyên cho biết: "Khởi nghiệp từ làm homestay bằng số vốn ban đầu là 5 triệu đồng và một con trâu. Với 6 cổ đông, tháng 9-2017, tôi đứng ra sáng lập HTX du lịch cộng đồng Nậm Hồng nhằm phục vụ các tour khám phá cuộc sống vùng cao. Năm 2019, HTX đón hơn 1.000 khách trong nước và 900 khách chủ yếu là người Pháp, Tây Ban Nha, Italy... HTX đã tạo việc làm, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi cho nhiều người dân trong xã.

Với ổn định chính trị, bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc, tiềm năng kinh tế du lịch, nông nghiệp phong phú, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Hoàng Su Phì đang đi đúng hướng trên con đường xây dựng huyện giàu đẹp, bảo vệ vững chắc vùng đất phên giậu của Tổ quốc.

Bài và ảnh: Đồng Khắc Thọ

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân