Các địa phương tiếp tục tích cực ủng hộ chia sẻ, tháo gỡ khó khăn trong việc hoãn, hủy tour du lịch

Cập nhật:13/08/2020 14:31:47
(TITC) - Trong những ngày này, trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sau khi Tổng cục Du lịch ban hành văn bản 982/TCDL-LH ngày 29/7 đề nghị triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch và chia sẻ, tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp, các địa phương tiếp tục bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cùng chung tay chia sẻ khó khăn, xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng du khách và đối tác.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
 
Hà Giang: Đảm bảo an toàn cho khách du lịch và hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp du lịch là nhiệm vụ cấp bách
 
Ngay sau khi nhận được văn bản 982/TCDL-LH của Tổng cục Du lịch, ngày 30/7, Sở VHTTDL Hà Giang đã có công văn 1055/SVHTTDL-QLDL yêu cầu UBND các huyện, thành phố triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Coi đây là nhiệm vụ cấp bách, Sở VHTTDL yêu cầu các đơn vị, địa phương trên địa bàn thường xuyên cập nhật chủ trương chỉ đạo của cấp trên để tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng nhiều hình thức.
 
Thông báo triển khai đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn đáp ứng đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 1246/QĐ-BYT ngày 20/3/2020, thì vận động đăng ký tự nguyện để làm cơ sở cách ly tập trung, có thu phí đối với lao động là người nước ngoài vào làm việc tại các dự án, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Đối với các cơ sở du lịch, Sở VHTTDL Hà Giang yêu cầu các cơ sở lưu trú, các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp du lịch thường xuyên cập nhật tình hình và chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và UBND tỉnh về phòng chống dịch. Hướng dẫn và kiểm tra việc khai báo y tế đối với khách du lich khi làm thủ tục check-in tại các cơ sở lưu trú du lịch kể từ 6 giờ 00 ngày 31/7/2020. Yêu cầu khách du lịch đến từ các khu vực hiện đang có dịch từ sau ngày 18/7/2020 (trong vòng 14 ngày) phải khai báo y tế bắt buộc và tự cách ly, theo dõi sức khỏe 14 ngày tại cơ sở lưu trú.
 
Đồng thời, kịp thời vận động, tuyên truyền khách du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các đơn vị cung cấp dịch vụ trên địa bàn cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn trong việc hoãn, huỷ, đổi chương trình du lịch đã ký kết do tác động của dịch bệnh. Thông báo đường dây nóng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của khách du lịch, doanh nghiệp du lịch.
 
Kiên Giang: Cần chung tay hợp tác, đàm phán chia sẻ khó khăn trong việc hoãn, hủy chương trình du lịch
 
Ngày 04/8, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang có văn bản số 338/SDL-QLDL gửi Phòng VHTT các huyện, thành phố, Hiệp hội Du lịch tỉnh và các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn yêu cầu tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch và xem xét hợp tác, chia sẻ khó khăn trong việc hoàn, hủy chương trình du lịch, dịch vụ du lịch đã ký kết.
 
Theo đó, Sở Du lịch Kiên Giang yêu cầu Phòng VHTT các huyện, thành phố tham mưu UBND địa phương chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các nội dung tại các văn bản chỉ đạo của Văn phòng UBND tỉnh, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch về phòng chống dịch Covid-19 và đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
 
Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Du lịch Kiên Giang tăng cường tuyên truyền, vận động các hội viên, doanh nghiệp du lịch thực hiện tốt công tác phòng chống dịch nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Cùng chung tay hợp tác, đàm phán, chia sẻ những khó khăn do tác động của dịch bệnh trong việc hoàn, hủy các chương  trình du lịch, dịch vụ du lịch đã ký kết giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ và các đơn vị sử dụng dịch vụ.
 
Đối với các đơn vị kinh doanh trên địa bàn, Sở Du lịch đề nghị thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19, chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế địa phương để đảm bảo an toàn cho khách du lịch, cán bộ công nhân viên, người lao động tại đơn vị. Tạm dừng đưa khách đến tham quan du lịch tại địa phương đang có dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời theo dõi diễn biến của dịch bệnh, cân nhắc việc đón khách từ các địa phương đang có dịch đến Kiên Giang tham quan du lịch.
 
Trước tình trạng hủy tour, dịch vụ khá nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh, Sở Du lịch Kiên Giang cũng đề nghị các đơn vị cung ứng dịch vụ (lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, vận chuyển khách du lịch, khu/điểm du lịch...) xem xét hợp tác, tạo điều kiện hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn với các đơn vị khai thác, sử dụng dịch vụ (lữ hành, khách du lịch) trong việc hoàn, hủy dịch vụ.
 
Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, Nha Trang – Khánh Hòa đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành trong đàm phán hủy, hoãn tour
 
Ngày 03/8, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cũng đã có công văn gửi các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành trong đàm phán hủy, hoãn tour.
 
Tình hình dịch Covid-19 tái phát gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế cả nước, nhất  là ngành du lịch. Diễn biến này dẫn đến tâm lý lo lắng của người dân không thể đi du lịch trong thời gian này. Do vậy, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho rằng việc hủy tour và hoãn lại các chuyến đi du lịch vào lúc này là quyết định cần được chấp nhận vì sức khỏe cộng đồng.
 
Các công ty lữ hành đang phải chịu áp lực rất lớn khi thực hiện việc hoàn tiền 100% cho các khách hàng đã đặt tour buộc phải hủy hàng loạt trước tác động của dịch bệnh, nhưng lại không được hoàn trả các khoản ứng trước, đặt cọc, hoặc các khoản đã thanh toán dịch vụ.
 
Chia sẻ với khó khăn chung của các doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận kêu gọi các doanh nghiệp thành viên tùy theo tình hình thực tế hợp đồng của các đơn vị, trao đổi trên tinh thần chia sẻ khó khăn trong giai đoạn này để duy trì hình ảnh đẹp trong lòng du khách và đối tác.
 
Ngày 04/8, Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa cũng đã có văn bản gửi Sở Du lịch Khánh Hòa và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Hiệp hội cho biết, qua phản ánh của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn, tình hình hủy tour diễn ra không chỉ ở Khánh Hòa mà các những điểm đến ở địa phương khác. Khi hủy tour, đa số khách yêu cầu các công ty lữ hành hoàn tiền đặt cọc là chủ yếu, có một số khách đồng ý hoãn chuyến đi vào thời gian thích hợp.
 
Hiệp hội đề nghị các đơn vị kinh doanh chia sẻ khó khăn, không phạt hủy, hoãn tour, dịch vụ, đồng thời xem xét hoàn lại tiền cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thanh toán với khách hàng.
 
Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch