Điện Biên: Bảo tồn, tôn tạo để phát huy giá trị di tích lịch sử

Cập nhật:07/04/2023 15:49:46
Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, ngành địa phương, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ ngày càng được đầu tư kinh phí trùng tu, bảo tồn, tôn tạo. Tuy nhiên, việc tôn tạo và phát huy giá trị di tích chưa đồng bộ, tương xứng với ý nghĩa và tầm quan trọng của các di tích, từ đó góp phần phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên.
 
Di tích Đồi A1 là một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách
 
Đầu tư chưa đồng bộ
 
Hiện nay, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ có 45 điểm di tích thành phần. Được sự quan tâm đầu tư của nhà nước cho công tác bảo tồn, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, thời gian qua tỉnh đã chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương tập trung triển khai bảo tồn, tôn tạo một số di tích thành phần như: Di tích Đồi A1; Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng; khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; Trung tâm đề kháng Him Lam; Di tích Đường kéo pháo bằng tay và Trận địa pháo 806; Trận địa pháo H6 của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ; tu sửa, xây dựng hệ thống bia biển giới thiệu các điểm di tích trên địa bàn 2 huyện Tuần giáo, Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ... Từ đó, phục hồi được một phần các dấu tích cơ bản, kịp thời bảo vệ các di tích thành phần trước những tác động của thiên nhiên và xã hội. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng các công trình như: Tượng đài mừng công tại Di tích Bãi họp các quân binh chủng tuyên bố chiến thắng và các hạng mục phụ trợ; Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đồi D; Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ... đã góp phần quan trọng phát huy giá trị, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ, thu hút du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.
 
Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác trùng tu, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ được tỉnh đặc biệt chú trọng thực hiện, nhằm phát huy các giá trị lịch sử, tái hiện chân thực, sống động về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Các di tích thành phần quan trọng được tôn tạo, phục hồi, đáp ứng nhu cầu tham quan tìm hiểu của nhân dân và du khách. Mặc dù vậy, việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ, tương xứng với ý nghĩa và tầm quan trọng của các di tích lịch sử. Cụ thể, số lượng di tích được đầu tư, tôn tạo đưa vào khai thác phát huy giá trị còn ít (hiện nay có 6/45 điểm di tích thực hiện thu phí phục vụ khách tham quan). Một số di tích đã được đầu tư tôn tạo nhiều lần song chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, chưa tương xứng với ý nghĩa và tầm vóc của di tích; nhiều điểm di tích chưa được cắm mốc, định vị (hiện tại mới có 28/45 di tích thành phần được cắm mốc bảo vệ trên thực địa). Ngoài ra, việc đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phục hồi di tích chưa thực sự gắn với việc khai thác, phát huy giá trị của di tích với tư cách là sản phẩm du lịch. Nhiều di tích còn thiếu hụt các công trình phụ trợ, các khu quản lý và dịch vụ. Trong khi đó, do tính chất đặc thù của loại hình di tích lịch sử, lại phải chịu những tác động mạnh mẽ của điều kiện tự nhiên, đã và đang đặt ra vấn đề cấp bách trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.
 
Tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị
 
Việc tổ chức lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ có giá trị, ý nghĩa lớn trong giáo dục truyền thống yêu nước và nâng cao trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Nhờ đó, các hạng mục di tích quan trọng được trùng tu, tôn tạo; công trình văn hóa, tưởng niệm được đầu tư xây dựng và khánh thành đưa vào sử dụng nhân dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào các năm tròn, năm chẵn như: Di tích đồi A1; Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng; Di tích đồi D1, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ...
 
Từ nay đến năm 2024, tỉnh Điện Biên tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với tổng vốn đầu tư khoảng 4.042,1 tỷ đồng. Cụ thể như: Các công trình dự án chào mừng đã được bố trí kế hoạch vốn đang triển khai thực hiện (tỉnh đã cân đối được nguồn vốn không đề nghị xin kinh phí). Trong đó, các công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng như: Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ (tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng); công trình cải tạo, sửa chữa Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng (tổng mức đầu tư 10,5 tỷ đồng). Ngoài ra, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ bổ sung nguồn vốn để triển khai thực hiện chào mừng kỷ niệm gồm 12 công trình với tổng mức đầu tư 758,9 tỷ đồng. Trong đó, có 3 công trình đề nghị bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương (giai đoạn 2021 - 2025) gồm: Sân vận động tỉnh; xây dựng khu trưng bày hiện vật ngoài trời Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; bảo tồn, tôn tạo di tích Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, với tổng mức đầu tư 337 tỷ đồng. Ngoài ra, đề nghị Trung ương hỗ trợ bổ sung nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách hằng năm của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 để triển khai thực hiện bảo tồn tôn tạo, phục dựng di tích Trụ sở Ủy ban kháng chiến hành chính Lai Châu; đầu tư bổ sung hạng mục công trình tại đồi E2; cải tạo hệ thống cây xanh tại các điểm di tích và Tượng đài Thanh niên xung phong Điện Biên Phủ...
 
Ông Phạm Văn Thăng, Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Nhằm tiếp tục trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm trong giai đoạn 2022 - 2024 mỗi năm hỗ trợ tỉnh khoảng 100 tỷ đồng (tổng kinh phí hỗ trợ 300 tỷ đồng) để triển khai thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo các điểm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ theo Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030 (đã được Chính phủ phê duyệt). Trước hết thời gian tới, ngành ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình: Bảo tồn tôn tạo, phục dựng di tích Trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Lai Châu, thuộc di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; đầu tư bổ sung hạng mục công trình tại Di tích Đồi E2; Dự án Xây dựng khu trưng bày hiện vật ngoài trời Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ; cải tạo cây xanh các đồi Him Lam, C1, C2, đồi F thành “Công viên chuyên đề”.
 
Đức Kiên
Nguồn: Báo Điện Biên Phủ Online - www.baodienbienphu.info.vn