Yên Bái: Nà Hẩu (Văn Yên) phát triển du lịch xanh

Cập nhật:27/04/2023 16:07:08
Xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) nằm giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu với những cánh rừng nguyên sinh, khí hậu trong lành, thiên nhiên ưu đãi, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm với hệ sinh thái rừng đa dạng. Địa phương đã, đang chú trọng phát triển du lịch xanh và lấy người dân địa phương làm trung tâm trong các bước làm du lịch.
 
Nhiều thác nước đẹp trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu đang là điểm đến lý tưởng cho du khách khám phá, trải nghiệm
 
Trên địa bàn xã Nà Hẩu có nhiều cảnh quan lý tưởng như: thác Bản Tát, thác Tiên, Hang Dơi, Hang Vàng, điểm săn mây trên đỉnh Ba Khuy cùng nhiều sản phẩm ẩm thực đã và đang được nhiều người biết đến như: các loài cá nước lạnh, đặc biệt là cá tầm, gà đen, ốc rạ cùng các loại rau rừng đặc sản nổi tiếng.
 
Nắm bắt được tiềm năng phát triển du lịch, năm 2019, Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu được thành lập với 13 thành viên, với ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính là nuôi cá tầm và phát triển du lịch sinh thái. 
 
Để có thương hiệu bền vững, HTX đã liên kết để thực hiện nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP; chú trọng tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm từ việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ở nhiều nhà hàng, siêu thị… 
 
Đến nay, HTX đã có 24 bể bạt nổi, 2 ao lót bạt và 4 bể xây xi măng cốt thép quy mô nuôi 1 vạn con/lứa; sản lượng bình quân đạt trên 20 tấn/năm, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng và là địa điểm để nhiều đoàn du khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức các món ăn từ cá tầm Nà Hẩu. Bên cạnh đó, HTX đã giúp cho nhiều hộ đồng bào Mông có hướng phát triển kinh tế mới, tạo nguồn thu ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động là người Mông ở địa phương. 
 
Ông Đặng Văn Chính - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu cho biết: "Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là tạo sản phẩm sạch, chất lượng, có uy tín để phục vụ nhu cầu du khách trong chuyến du lịch khám phá, trải nghiệm tại địa phương. Bởi vậy, sau khi khảo sát thực tế, thấy có nguồn nước sạch, chúng tôi đã đăng ký để làm mô hình nuôi cá tầm và thành lập HTX để tạo thêm việc làm cho bà con địa phương; đồng thời, khai thác tốt tiềm năng PTDL, bảo tồn văn hóa ”. 
 
Hiện, xã đã thành lập được 2 HTX gồm: HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu, HTX Dược liệu và Du lịch Nà Hẩu Xanh vừa để phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của xã, vừa phục vụ dịch vụ du lịch. 
 
Từ thành công trong phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản của các HTX, Nà Hẩu cũng tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng các điều kiện tự nhiên phát triển các sản phẩm đặc sản phục vụ phát triển du lịch như: cá tầm, ốc rạ, gà đen… Hiện, xã có 4 hộ nuôi cá tầm và 20 hộ phát triển nuôi ốc thương phẩm; có 8 hộ đầu tư sửa sang nhà ở làm du lịch cộng đồng. 
 
Cùng đó, với hơn 90% dân số là đồng bào Mông, cấp ủy, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như: nghề rèn truyền thống, thêu dệt thổ cẩm, gìn giữ các điệu dân ca, dân vũ… để phục vụ du lịch. 
 
Ông Lý Tòn Cầu - Chủ tịch UBND xã cho biết: nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển du lịch xanh, UBND xã tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào thay đổi thói quen trong bảo tồn thiên nhiên khi phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Cùng đó, xã cũng tập trung mời gọi, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để thu hút đầu tư, nhằm đưa Nà Hẩu trở thành điểm du lịch hấp dẫn và lý tưởng. 
 
Trong năm 2022, có khoảng hơn 6.000 du khách đã đến với Nà Hẩu, tập trung nhiều vào mùa hè. Riêng tại Lễ hội Tết rừng - một lễ hội quan trọng của đồng bào Mông đã thu hút khoảng 5.000 du khách đến tham quan, trải nghiệm. 
 
Đây chính là động lực, điểm tựa để Nà Hẩu tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của xã. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng thành công nông thôn mới ở địa phương.
 
Thanh Tân
Nguồn: Báo Yên Bái - baoyenbai.com.vn