Bảo tồn, phát huy giá trị Vịnh Hạ Long

Cập nhật:04/09/2020 17:05:23
Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long luôn được xác định là động lực phát triển du lịch của thành phố Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh. Do đó, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long luôn được đặt lên hàng đầu.
Ảnh minh họa
 
Cùng với việc đầu tư tu bổ, tôn tạo một số hang động, bằng nhiều nguồn vốn, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã mạnh dạn đầu tư, đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý nhằm mang lại tiện ích cho du khách, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an ninh trật tự. Từ năm 2017, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã lắp đặt hệ thống truyền tải dữ liệu vi ba và sửa chữa nâng cấp hệ thống camera tại trụ sở Ban, cảng và các điểm tham quan trên vịnh giúp tăng cường sự giám sát với du khách, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Hệ thống vi ba cũng đã được triển khai lắp đặt thí điểm tại ba khu vực là Tuần Châu, động Thiên Cung, đỉnh núi Bài Thơ... để phát wifi miễn phí cho du khách, bảo đảm đường truyền dữ liệu về cho bộ phận giám sát.
 
Việc nâng cấp hệ thống định vị GPS cũng được Ban Quản lý Vịnh Hạ Long triển khai lắp đặt ở tất cả các tàu thuyền trên vịnh. Thông qua hệ thống GPS giúp cho Cảng vụ Đường thủy nội địa và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long theo dõi được lộ trình của tàu, điểm đỗ đón trả khách, nắm bắt được thông tin, lượng khách trên tàu, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
 
Hiện, tất cả các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đều lắp đặt hệ thống định vị GPS, lộ trình của các tàu tham quan trên vịnh sẽ được cập nhật liên tục về trung tâm Ban Quản lý vịnh và Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh. Nhờ đó, việc cập nhật liên tục các dữ liệu trên hệ thống phần mềm rút ngắn thời gian cấp phép phương tiện.
 
Song song với việc ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm. Trong đó, đầu năm 2019, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã triển khai việc bảo tồn và phát huy đối với một số giá trị văn hóa tiêu biểu của làng chài trên Vịnh Hạ Long. Dự án bao gồm: sửa chữa, di chuyển các nhà bè bảo tồn, lớp học, thư viện; sưu tầm, trưng bày, bảo quản hiện vật tại khu vực Cửa Vạn và khu tái định cư Cái Xà Cong; tái hiện mô hình lớp học nổi; truyền dạy, trình diễn hát giao duyên và tập huấn đan lờ, đan lưới... Dự án đã phục dựng những nét văn hóa đặc sắc của người dân sống trên Vịnh, phát huy bền vững, hiệu quả các giá trị văn hóa làng chài; hình thành những sản phẩm du lịch độc đáo.
 
Công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh việc thường xuyên thu gom rác thải trên Vịnh và khu vực xung quanh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, khuyến cáo du khách và đơn vị kinh doanh hạn chế sử dụng chai nhựa, túi nilon khi tham quan trên vịnh.
 
Đồng thời, bố trí khu vực để nhựa dùng 1 lần, yêu cầu du khách để lại đồ nhựa dùng 1 lần, ký cam kết bảo vệ môi trường Vịnh trước khi xuống tàu. Các đơn vị kinh doanh trên Vịnh đã chủ động thay thế nhiều vật dụng như: Cốc, túi, ống hút... bằng giấy phục vụ du khách. Đặc biệt, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đang phối hợp với thành phố Hạ Long thuê đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết các điểm nuôi trồng thủy sản ngoài vùng lõi (vùng bảo vệ tuyệt đối di sản) Vịnh Hạ Long với diện tích khoảng 356ha.
 
Thời gian tới, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ ứng dụng CNTT vào công tác quản lý di sản theo dự án hợp phần xây dựng thành phố thông minh như lắp đặt wifi, camera tại các điểm tham quan, bán vé điện tử cho du khách; phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục làm rõ giá trị của di sản Vịnh Hạ Long...
 
CQ
Nguồn: Báo Chính phủ