Phát triển du lịch nông thôn ở Lâm Đồng

Cập nhật:27/08/2021 00:09:19
Lâm Đồng không dùng thuật ngữ du lịch nông thôn, nhưng các loại hình của du lịch nông thôn đều rất phát triển ở Lâm Đồng từ nhiều năm trước là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và đặc biệt là du lịch canh nông.
Nguồn lực phát triển du lịch nông thôn
 
Lâm Đồng ngoài cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và kiến trúc độc đáo, lại có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển đa dạng cây trồng, với diện tích canh tác nông nghiệp khoảng 278.882 ha; trong đó, diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 53.429 ha, chiếm 19,2% tổng diện tích đất canh tác và đứng đầu cả nước về diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, hiện có hơn 21.000 ha trồng rau, hoa, cây đặc sản ứng dụng công nghệ tưới phun tự động; 50 ha trồng hoa, dâu tây áp dụng công nghệ cảm biến, tự động đồng bộ; 22 ha rau thủy canh và 41 ha canh tác trên giá thể; hơn 27.520 ha chè ứng dụng đồng bộ hệ thống tưới, bón phân tự động; 19.736 ha cà phê ứng dụng công nghệ cao... 
 
Trong những năm qua, nguồn nhân lực cho ngành du lịch của Lâm Đồng đã có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Đầu năm 2020, nhân lực du lịch ở Lâm Đồng xấp xỉ 13.000 lao động (lưu trú 9.000 người; lữ hành, hướng dẫn và vận chuyển khách 1.550 người; khu, điểm du lịch 2.420 người; cơ quan quản lý về du lịch là 30 người); với khoảng 80% số lao động trực tiếp đã được đào tạo - bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ, 60% tổng số lao động trực tiếp phục vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch có độ tuổi từ 18 - 35. Toàn tỉnh có 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng có chuyên ngành đào tạo du lịch, có chương trình giảng dạy đáp ứng được yêu cầu thực tiễn theo hướng chuẩn hóa và hiện đại; đã đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ công tác tuyển dụng và sử dụng trên 4.000 sinh viên, học viên. 
 
 
Khách ở Long Đỉnh Farm (Lâm Hà)
 
Trước dịch COVID-19, Lâm Đồng có trên 2.500 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 500 khách sạn có sao (39 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao); 49 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch (34 doanh nghiệp lữ hành quốc tế), 36 khu - điểm tham quan du lịch, 33 điểm du lịch canh nông theo tiêu chí cũ, 2 vườn quốc gia và hơn 60 điểm tham quan khác... Ngoài ra, Lâm Đồng hiện có 47 dân tộc anh em, với 27% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán và văn hóa truyền thống... Tất cả những nguồn lực trên là tài nguyên quý giá để Lâm Đồng phát triển du lịch nói chung và du lịch nông thôn nói riêng.
 
Định hướng phát triển du lịch nông thôn
 
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới có một số yếu tố đảm bảo cho du lịch nông thôn phát triển, đó là: bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú, có điểm nhấn khác biệt; tổ chức xã hội cộng đồng theo khuôn phép, chu đáo, nghiêm túc (xây dựng hương ước thôn bản); được chuẩn bị chu đáo về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế, xã hội bởi các nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách Nhà nước; có sự kết nối thị trường du lịch trong và ngoài vùng bằng công nghệ thông tin dưới hình thức làng du lịch xanh, làng du lịch nông nghiệp nông thôn thông minh, hoặc làng du lịch cộng đồng nông nghiệp thông minh...
 
Lâm Đồng hiện có 142 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 111 xã, 18 phường và 13 thị trấn. 100% các xã đều có đồ án quy hoạch theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, với các khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung, mở rộng các mô hình sản xuất mới, gắn với làng nghề truyền thống và kết hợp công nghệ tiên tiến; đội ngũ doanh nhân trẻ khởi nghiệp có kiến thức quản trị tốt, hình thành các loại hình kinh tế “vừa sản xuất - kinh doanh - tiếp thị và du lịch tại chỗ”. Việc xây dựng nông thôn mới đã giúp cho cảnh quan nông thôn có phần đẹp hơn, từ đồi chè, vườn dâu, đến các vườn rau sạch, các luống hoa đủ màu,... Đặc biệt, cơ sở hạ tầng phát triển tạo nên môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống (Đà Lạt có làng hoa Vạn Thành, Hà Đông, Thái Phiên; Lâm Hà có Long Đỉnh Farm (trà), làng Đam Pao (dệt); Đơn Dương có trang trại bò sữa Vinamilk Organic, làng gốm, làng làm nhẫn bạc, làng nghề bánh tráng; Đức Trọng có làng Gà, Lạc Dương có thôn Bnơ C...).
 
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một phương thức phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển cộng đồng hữu ích ở vùng nông thôn thông qua việc tạo điều kiện thúc đẩy, phát triển các sản phẩm, dịch vụ từ nguồn lực địa phương (nguyên liệu, nhân lực, công nghệ truyền thống, văn hóa, cảnh quan,..). Chương trình OCOP tại Lâm Đồng tập trung vào 6 nhóm mặt hàng: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí và dịch vụ du lịch nông nghiệp - nông thôn...
 
Du lịch nông thôn góp phần tạo ra bản sắc, tính độc đáo của điểm đến và sản phẩm du lịch Việt Nam, vừa mở rộng đầu ra của nông sản vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù; đồng thời, cũng góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản về xây dựng nông thôn mới, như tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân khi tạo ra việc làm và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm của ngành nông nghiệp...; đặc biệt, thúc đẩy vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong việc giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng; vừa hướng dẫn, kết nối du khách đến với nền tảng văn hóa nông thôn của địa phương mình... góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững./.
 
Nhật Quân
Nguồn: Báo Lâm Đồng