Bạc Liêu triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi hoạt động du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh

Cập nhật:15/11/2021 11:11:57
Vừa qua, UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND về việc phục hồi hoạt động du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
 
Theo đó, những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động du lịch nội địa được phép hoạt động trở lại, ngành du lịch phấn đấu trong quý IV năm 2021, trọng tâm là tháng 11 và 12, tổng thu du lịch - dịch vụ đạt khoảng 250 tỷ đồng (doanh thu nhà hàng - khách sạn ước khoảng 100 tỷ đồng); lượng khách du lịch đạt khoảng 300.000 lượt, trong đó có khoảng 100.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú. Phấn đấu trong năm 2022, tổng thu du lịch - dịch vụ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng (doanh thu nhà hàng - khách sạn đạt trên 1.100 tỷ đồng); lượng khách du lịch đạt khoảng 3,3 triệu lượt; trong đó, có khoảng 1,6 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú.
 
Để từng bước mở cửa du lịch hoạt động trở lại, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và góp phần phát triển kinh tế địa phương, tỉnh Bạc Liêu đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục hồi hoạt động du lịch trong thời gian tới.
 
Một là, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch, trong đó tập trung hỗ trợ tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi theo quy định; hỗ trợ tổ chức kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ kích cầu và mở rộng thị trường du lịch.
 
Hai là, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại điểm đến, cơ sở kinh doanh du lịch và cho khách du lịch nhằm tạo lập môi trường du lịch thân thiện, an toàn cho du khách đáp ứng yêu cầu mở cửa và phục hồi ngành du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến địa phương tham quan, du lịch.
 
Ba là, tăng cường hoạt động truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Bạc Liêu an toàn hấp dẫn”; tổ chức giới thiệu, quảng bá các sản phẩm kích cầu du lịch nội địa tạị các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại; lồng ghép hoạt động xúc tiến du lịch trong quá trình tham mưu tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư, các sự kiện đầu tư trong nước và ngoài nước.
 
Bốn là, hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới đáp ứng xu hướng mới của thị trường, sản phẩm dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương, đặc biệt phát triển 02 tuyến du lịch “Những nẻo đường phù sa” và “Non nước hữu tình”.
 
Năm là, tăng cường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý điều hành, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ nhân lực du lịch nhằm tái cấu trúc, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong ngành du lịch; các cơ sở đào tạo tăng cường hợp tác, liên kết mở các khóa đào tạo chuyên ngành du lịch; nghiên cứu sớm triển khai đào tạo các chuyên ngành du lịch, chuẩn hóa chương trình đào tạo gắn với kỹ năng thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
 
Với những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực cùng sự quyết tâm của toàn ngành, sự quan tâm hỗ trợ của Lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp trách nhiệm các ngành liên quan, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, mong rằng Du lịch Bạc Liêu sẽ sớm phục hồi và phát triển ổn định trở lại trong thời gian sớm nhất.
 
Ngô Thời Nhiệm
Nguồn: Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bạc Liêu