Bến Tre đưa các di tích vào khai thác, phát triển du lịch

Cập nhật:01/03/2024 16:51:41
Bến Tre có các dạng di tích (DT) thuộc loại hình DT lịch sử và DT kiến trúc nghệ thuật. Cụ thể có 2 DT quốc gia đặc biệt thuộc loại hình lịch sử; 16 DT cấp quốc gia (7 DT kiến trúc nghệ thuật, 9 DT lịch sử); DT cấp tỉnh có 23 DT kiến trúc nghệ thuật và 37 DT lịch sử. Một số DT đã trở thành các điểm tham quan du lịch, góp phần phát huy giá trị truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, lịch sử văn hóa đến du khách trong và ngoài nước.  
 
Đoàn du khách ngoài tỉnh tham quan tại Di tích lịch sử Căn cứ khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Y4), xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc)
 
Bảo tồn giá trị truyền thống
 
Những năm gần đây, các cấp, các ngành tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về pháp luật di sản văn hóa, về lịch sử của địa phương trong cộng đồng. Qua đó tạo nên những chuyển biến tích cực trong việc tham gia gìn giữ, bảo vệ DT, đặc biệt là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ.
 
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, bảo tồn DT gắn với phát triển du lịch cũng được quan tâm. Các DT nổi bật đã trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình tham quan du lịch, về nguồn, học tập của người dân trong và ngoài tỉnh cũng như du khách quốc tế như: DT quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, Nhà cổ Huỳnh Phủ, Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam (Đường Hồ Chí Minh trên biển, bến Thạnh Phong)...
 
Dịp Tết Nguyên đán 2024, số liệu ghi nhận du khách tham quan các DT đặc biệt có sự chuyển biến, gia tăng do chú trọng chỉnh trang khuôn viên cũng như mở cửa phục vụ khách đến tham quan, tích hợp một số hoạt động sinh động tại điểm trong những ngày Tết. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ 29 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết, Bảo tàng tỉnh Bến Tre và các DT trên địa bàn tỉnh đã đón trên 5,6 ngàn lượt khách đến thắp hương, tham quan tự do, chụp ảnh…
 
Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Ngọc Dung, đối với việc khai thác giá trị DT để phục vụ du khách, cần chú trọng công tác bảo tồn giá trị của văn hóa truyền thống tại các DT nhằm tăng tính hấp dẫn của điểm đến. Để thu hút được du khách thì phải bảo tồn được nguyên vẹn những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trước hết phải vì cộng đồng, vì chính nhu cầu của địa phương hơn là vì nhu cầu đơn thuần của du khách.
 
Để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống chứa đựng trong DT, cũng như lan tỏa các hoạt động du lịch tại DT đến với du khách đó không chỉ là trách nhiệm của riêng cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm của người dân địa phương và toàn xã hội. Do đó, cần thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn nơi có DT hiểu rõ ý nghĩa, vị trí, vai trò, những giá trị lịch sử - văn hóa của các DT này… để mọi người dân thấy được tầm quan trọng và giá trị DT, làm cho người dân thấy được mình vừa là người bảo vệ vừa là người hưởng lợi từ các DT. Qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác đối với việc bảo vệ DT, phòng chống xâm hại DT, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông đã sáng tạo nên. Tạo dư luận xã hội lôi kéo cộng đồng tham gia vào công tác quản lý vì đây là tài sản vô giá mà không phải địa phương nào cũng có được.
 
Phát huy giá trị di tích
 
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và để thúc đẩy phát triển ngành du lịch của tỉnh theo đúng định hướng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã xác định rõ một số giải pháp nhằm phát huy giá trị các DT trong hoạt động du lịch. Đó là, trước hết phải tăng cường công tác trùng tu, sửa chữa, bảo trì, bảo quản các DT văn hóa - lịch sử; khôi phục các làng nghề truyền thống gắn kết tạo nên tuyến tham quan, du lịch. Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo phục vụ cho phát triển du lịch.
 
Tại các DT cần quan tâm đầu tư các dịch vụ bổ trợ như: xây dựng mô hình biểu diễn nghệ thuật dân gian gắn với sự kiện lịch sử của DT, các hoạt động trải nghiệm cho du khách, cửa hàng lưu niệm bán các đặc sản của địa phương, khu ẩm thực… để phục vụ và thu hút khách đến tham quan.
 
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại các DT về chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ, hướng đến chuyên nghiệp được xác định là nhiệm vụ thường xuyên. Chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên có ý nghĩa rất lớn trong việc truyền tải đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc những giá trị của các di sản văn hóa đến du khách.
 
Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các hoạt động nhằm hướng dẫn, định hướng thực hiện việc bảo vệ môi trường trong các khu DT như: tăng cường số lượng các thùng rác cho du khách, áp dụng các hệ thống xử lý nước thải, rác thải trong các khu DT.
 
Cơ quan chức năng cũng sẽ điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách trực tiếp liên quan đến phát huy giá trị các DT và nâng cao chất lượng hoạt động du lịch tại các DT; ưu tiên bố trí vốn cho công tác xây dựng quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến, tái đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật tại các DT. Nhất là tăng cường truyền thông, quảng bá các DT lịch sử - văn hóa; đa dạng hóa các hình thức quảng bá, giới thiệu thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, cập nhật thông tin trên Ứng dụng du lịch thông minh, các trang thông tin điện tử quảng bá du lịch để du khách tiếp cận kịp thời, thuận tiện. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số về tư liệu, hệ thống trưng bày để thu hút du khách.
 
Hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DT lịch sử - văn hóa tỉnh giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án xác định các nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của các ngành, các cấp, huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân vào công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và nâng cao giá trị DT, bảo vệ bền vững hệ thống DT để giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ mai sau và gắn kết với phát triển sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
 
Bài, ảnh: Thanh Đồng
Nguồn: Báo Đồng Khởi - baodongkhoi.vn