Đắk Lắk: Cần bảo vệ nghiêm ngặt cảnh quan hồ Lắk để phát triển du lịch

Cập nhật:22/08/2014 08:55:55
Hồ Lắk, thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk từng là điểm du lịch hấp dẫn, mỗi năm thu hút gần 60 ngàn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm quan. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do sự tác động của con người, hồ Lắk không còn giữ được cảnh quan nguyên sơ, hấp dẫn. Số lượng khách đến với hồ Lắk đã giảm một cách đáng báo động.

Ông Hoàng Ngọc Tài – Trưởng phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch huyện Lắk cho biết: Từ năm 2010 trở lại đây lượng khách đến hồ Lắk vắng dần; lượng khách lưu trú ít, chỉ chiếm khoảng 2-5% tổng số lượt khách đến tham quan. Hồ Lắk kém hấp dẫn nguyên nhân là do chưa được đầu tư đúng mức và do sự tác động tiêu cực từ con người, dẫn đến cảnh quan hồ Lắk ngày càng xấu đi.

Trong khi hồ Lắk chưa được quan tâm đầu tư thì hàng chục hecta đất bờ hồ bị người dân địa phương khai phá biến thành đất trồng lúa, khiến diện tích mặt hồ ngày càng bị thu hẹp dần. Trước đây, quanh hồ Lắk có các dãy núi lớn và có gần 14.000 ha rừng nguyên sinh bao quanh để bảo vệ nguồn nước hồ Lắk, đến nay chỉ còn khoảng gần 9.000 hec ta. Diện tích rừng ven hồ Lắk đã bị chặt phá khiến mặt đất trơ trụi, vào mùa mưa một lượng lớn đất, đá bị xói mòn, cuốn trôi xuống lòng hồ, khiến hồ Lắk bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng.

Nguồn tài nguyên mặt nước hồ Lắk ngày càng ít đi và có nguy cơ cạn kiệt. Trước đây, loài cá thát lát, cá chép, ốc nước ngọt, đặc sản của hồ Lắk nhiều, đây là những đặc sản được người dân bản địa giới thiệu đến với du khách gần xa. Nay ngay cả vào mùa du lịch, loài đặc sản này cũng hiếm. Trong nhiều năm liền hồ Lắk đã được các cơ quan bảo vệ nguồn lợi thủy sản Đắk Lắk thả xuống một lượng cá giống lớn. Nhưng với cách khai thác tận diệt bằng cách giăng lưới, lồ ô...của người dân nên nguồn thủy sản, đặc sản của hồ Lắk đã hoàn toàn cạn kiệt.

Bên Hồ Lắk có buôn Jun và buôn cổ M'Liêng, những buôn làng tiêu biểu của dân tộc M'Nông, hai buôn này được tổ chức thành một điểm du lịch quan trọng ở Đắk Lắk giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc bản địa ở Tây nguyên. Ở đây còn lưu giữ được rất nhiều những ngôi nhà dài truyền thống. Do không được bảo quản cẩn thận, đến nay nhiều ngôi nhà sàn đã xuống cấp một cách nghiêm trọng, đời sống của người đồng bào có nhiều thay đổi, nhiều hộ đồng bào M’Nông ở bun Jun đã không còn giữ được những ngôi nhà dài truyền thống mà thay vào đó là những ngôi nhà bê tông kiên cố. Tài nguyên hồ Lắk bị xâm hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển du lịch ở hồ Lắk nhiều du khách khi đến tham quan, không khỏi ngán ngẩm trước tình trạng hồ Lắk nghèo nàn, kém hấp dẫn.

Tỉnh Đắk Lắk, huyện Lắk đã xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển du lịch hồ Lắk giai đoạn từ nay đến năm 2020 một cách toàn diện về cơ sở hạ tầng, cảnh quan hệ sinh thái động, thực vật xung quanh hồ Lắk. Thiết nghĩ trước mắt tỉnh Đắk Lắk cần có biện pháp cụ thể bảo vệ nghiêm ngặt hồ Lắk, ngăn chặn triệt để tình trạng người dân chặt phá rừng đầu nguồn, khẩn trương trồng tái tạo rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Lắk, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân sống xung quanh hồ Lắk, có như vậy mới có thể giữ gìn được cảnh quan hồ Lắk để phát triển du lịch một cách bền vững./.

Nguồn: TTXVN