Hội An: Du khách làm thợ làng nghề

Cập nhật:17/10/2018 14:58:24
Từ sự thích thú của du khách, nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp cũng như hộ dân tại những làng nghề truyền thống ở Hội An đã bắt tay vào làm du lịch bằng cách… hướng dẫn du khách làm nghề thủ công.

Bree Dawn trải nghiệm làm gốm ở làng Thanh Hà. Ảnh: X.HIỀN

Hào hứng vọc đất

Bree Dawn - cô gái người Úc đến Hội An du lịch một mình. Lẽ ra sau đó Bree sẽ sang Campuchia theo lịch trình mà cô và nhóm bạn đã hẹn, thế nhưng một trải nghiệm mới khiến Bree thay đổi, quyết định ở Hội An thêm một tuần nữa. Bree kể, trước ngày rời Hội An, cô gặp một thanh niên tại sảnh khách sạn, anh ta hỏi cô “có muốn chơi với đất sét không?”. Và sau cái gật đầu, Tân - chàng thanh niên của làng gốm Thanh Hà - đã đưa Bree về ngay xưởng của mình. Ở đây, cô gái người Úc này được một số phụ nữ làm gốm tại xưởng hướng dẫn cách sử dụng bàn xoay, cách chuốt đất, rồi mang sản phẩm đi nung. Quá thú vị, trong suốt các buổi sáng lưu trú sau đó tại Hội An, Bree đều dùng xe đạp đi đến làng gốm Thanh Hà để tự tay làm các sản phẩm theo trí tưởng tượng của mình.

Và Bree là một trong số rất nhiều trường hợp du khách khi đến Hội An bị sức hấp dẫn của các sản phẩm thủ công thu hút, níu chân. Những làng nghề ven đô thị cổ đã nhanh chóng nắm bắt lấy nhu cầu này của các dòng khách. Ông Lê Văn Xê - Trưởng ban Quản lý làng nghề gốm Thanh Hà cho biết, lượt khách du lịch tìm đến làng và tham gia trải nghiệm làm nghề ngày càng nhiều. Bình quân mỗi ngày làng gốm đón hàng trăm lượt khách đến trải nghiệm, tham gia làm các sản phẩm đơn giản như nặn tò he hoặc sáng tạo làm các sản phẩm theo ý của họ.  Nhiều du khách sau khi trải nghiệm làm gốm tại Thanh Hà, giống như Bree, họ chọn cách ở thêm vài ngày nữa để hoàn thiện sản phẩm của mình, mang theo nó về quê nhà như một món quà tặng từ Hội An.

Mê say với đèn lồng

Du khách châu Âu thích thú với trải nghiệm làm đèn lồng Hội An. Ảnh: X.HIỀN

Nguyễn Quang Huy - hướng dẫn viên tiếng Pháp của một công ty lữ hành tại TP.Đà Nẵng cho biết, các xưởng làm đèn lồng là địa điểm rất được ưa thích đối với dòng khách Pháp khi đến Hội An. “Khi làm tour cho du khách, ngoài các hoạt động dạo phố cổ, tham quan, chúng tôi đưa thêm vào lịch trình của họ trải nghiệm làm nghề thủ công. Dòng khách Tây đặc biệt ưa chuộng hoạt động này” - anh Huy nói. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, việc dạy du khách làm đèn lồng trở thành sản phẩm du lịch trải nghiệm được ưa chuộng tại Hội An. Bill Creighton - du khách Mỹ - vừa hoàn thành công đoạn cắt vải để dán vào đèn lồng, cười tươi rói với cậu con trai tròn 10 tuổi của mình. Anh nói: “Tôi không nghĩ làm đèn lồng lại kỳ công như vậy. Và quả thực nhìn sản phẩm của mình, tôi không thể nào tin được” - Bill cười nói.

Là người dành cả đời cho nghệ thuật làm đèn lồng, Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Văn Ba nói, xưởng của con trai ông lúc nào cũng có du khách đến. Trong khi đó, con trai ông Ba cho biết, để trở thành một điểm đến trong tour của du khách, xưởng phải đảm bảo có không gian để du khách ngồi làm, chưa kể trước đó, xưởng thủ công phải liên hệ làm việc với các công ty lữ hành. Thường việc trải nghiệm làm thủ công như vậy rất thu hút các dòng khách châu Âu, Mỹ và Úc, còn dòng khách châu Á thường chọn các địa điểm mang tính chất giải trí, vui chơi nhiều hơn…

Cơ hội cho làng nghề

Không phải một hoạt động mới mẻ, tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, du lịch trải nghiệm trở nên thu hút khách nhiều hơn. Ông Phan Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam cho biết, các hoạt động trải nghiệm như làm gốm, đèn lồng hay gấp các sản phẩm từ lá dừa nước… rất được du khách, đặc biệt là dòng khách phương Tây, ưa chuộng. Cùng với các tour “một ngày làm ngư dân”, “một ngày làm nông dân Trà Quế”..., việc tìm đến các xưởng tiểu thủ công nghiệp để trải nghiệm cũng mang đến cho du khách nhiều cảm giác. “Họ sẽ được giới thiệu về sản phẩm của nghề truyền thống, quá trình hình thành nghề nghiệp hoặc làng nghề, gặp gỡ nghệ nhân và được hướng dẫn làm nghề. Chính vì mang nhiều ý nghĩa nên du khách phương Tây rất thích thú” - ông Phan Văn Tú nói.

Được ưa chuộng như vậy nên số lượng doanh nghiệp, xưởng tiểu thủ công nghiệp tham gia làm du lịch cũng ngày một nhiều hơn. Đây là cơ hội để các sản phẩm thủ công cũng như người làm nghề truyền thống tìm được vị trí, thị trường của mình. Hiện tại, ở Hội An, các công ty lữ hành đang tăng cường kết hợp với cơ sở, đặc biệt là với các nghệ nhân, để xây dựng chương trình du lịch trải nghiệm làng nghề đa dạng và hấp dẫn hơn. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An nói, đón khách du lịch cũng chính là cách để người làm nghề nâng cao thu nhập, duy trì nghề thủ công truyền thống của cha ông.

Nguồn: Báo Quảng Nam