Nghề làm nước mắm Nam Ô là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cập nhật:09/09/2019 16:08:55
Bộ VHTTDL vừa ban hành quyết định số 2974/QĐ- BVHTTDL công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, nghề làm nước mắm Nam Ô, Phường Hòa Hiệp Nam, phường Hòa Hiệp Bắc, Quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng đã được đưa vào danh mục này.

Nghề làm nước mắm Nam Ô là một trong số ít làng nghề nước mắm truyền thống còn tồn tại trên cả nước vừa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nam Ô là tên một ngôi làng cổ, cửa ô phía Nam của nước Đại Việt xưa, hình thành cách ngày nay hàng trăm năm, nằm bên vịnh Đà Nẵng, dưới chân đèo Hải Vân,  thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Đây là một làng nghề truyền thống khai thác, đánh bắt thủy hải sản, làm nước mắm. Nghề làm mắm ở Nam Ô cũng có từ rất sớm. Thời kỳ còn là một trong những địa phương của Đàng Trong, ngư dân nơi đây đã biết cách làm nước mắm cung cấp cho thị trường các vùng lân cận.

Nước mắm Nam Ô đã từng là sản vật tiến Vua, được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống, có hương thơm, mùi vị đặc trưng, ngọt tự nhiên, màu đỏ thẫm như màu cánh gián. Làng biển Nam Ô có bờ biển dài,  nhiều loài hải sản phong phú thuận lợi cho việc đánh bắt và neo đậu tàu thuyền. Từ thời mở đất, lập làng của các thế hệ trước, nghề đi biển đánh bắt hải sản phát triển mạnh và kéo theo đó là nghề chế biến thực phẩm cũng hình thành và phát triển, đặc biệt là từ con cá cơm than, người dân đã biết chế biến ra thứ nước mắm thơm ngon, mang thương hiệu nước mắm Nam Ô. Nghề làm nước mắm ở Nam Ô đã đem lại cho một bộ phận nhân dân của làng có công ăn việc làm  ổn định, có thu nhập khá hơn so với nghề nông. Sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ tại các nơi phương trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận, ngoài ra còn theo chân người dân, du khách đến các vùng miền trong nước và quốc tế.

Người dân  làng nghề nói: “Chăm mắm như chăm con dại”. Theo kinh nghiệm lâu năm, người dân làng nghề nhận biết mắm chín bằng cách đánh giá cảm quan về màu sắc, mùi vị, trạng thái. Đặc biệt, công đoạn lọc mắm rất kỳ công. Người dân làm nước mắm Nam Ô bao đời nay vẫn sử dụng cách lọc nước mắm (chiết mắm) hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Để cho ra những giọt nước mắm thơm ngon, đúng chất phải mất 12 tháng mới lấy được khoảng 100 - 150 lít nước mắm loại 1.

Làng nghề có lăng Ông nghề cá (thờ cá Voi). Di tích lăng Ông được xây dựng từ thời Vua Gia Long (1802), là nơi thờ phụng theo tín ngưỡng dân gian truyền thống của nghề đánh bắt cá biển và nghề làm nước mắm lâu đời của làng cá Nam Ô. Lễ hội Cầu Ngư ở đây được tổ chức hằng năm, vào tháng ngày 15 và 16 tháng 2 âm lịch. Nghề làm nước mắm Nam Ô cũng được trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Trải qua thời gian, đến nay, nghề làm nước mắm Nam Ô vẫn được gìn giữ, bảo tồn, phát huy và trao truyền những kinh nghiệm dân gian, những bí quyết về kỹ thuật làm nước mắm. Đây không chỉ là một sản phẩm vật chất hiện diện trong bữa ăn hàng ngày của người dân mà còn mang lại lợi ích trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương và cộng đồng.

Nước mắm Nam Ô còn là một sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc của làng nghề truyền thống bao đời, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương, phản ánh sự đa dạng văn hóa, sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ. Đối với người dân xứ Quảng, trong đó có người dân TP. Đà Nẵng, nước mắm không chỉ là món ăn, là gia vị mà còn là một phần của lịch sử, của văn hóa, hàm chứa những tri thức dân gian, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương.

Bên cạnh đó, ngoài lợi thế về cảnh quan thiên nhiên lý tưởng, Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô có vị trí địa lý thuận lợi, lại gắn với các di chỉ văn hóa có lịch sử hình thành từ thời cha ông mở cõi như: đền thờ bà Liễu Hạnh, mộ Huyền Trân công chúa, mộ cổ tiền hiền làng Nam Ô, lăng thờ cá Ông và các di chỉ, phế tích Chăm…  Đó là điều kiện thuận lợi và rất phù hợp để liên kết phát triển du lịch làng nghề gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Hiện nay, làng nghề còn 92 hộ làm nước mắm, trong số đó có 54 hộ tham gia vào Hội Làng nghề nước mắm truyền thống. Các Đề án khôi phục làng nghề, Đề án Bảo tồn và phát triển Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều cơ sở đã đầu tư mở rộng sản xuất, sản lượng sản xuất nước mắm hằng năm tăng đáng kể, góp phần giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho nhiều lao động, vừa nâng cao đời sống nhân dân, vừa đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Nguồn: Báo Văn hóa