Thừa Thiên Huế phấn đấu trở thành trung tâm lớn, đặc sắc về văn hóa và du lịch của Đông Nam Á vào năm 2030

Cập nhật:12/06/2020 15:42:35
(TITC) - Ngày 27/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nguồn ảnh: vtv.vn

Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu: “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á”.

Căn cứ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 54-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Trong đó, đáng chú ý, về thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng, công trình trọng điểm, Chính phủ yêu cầu hoàn thành đầu tư tuyến đường bộ ven biển, cao tốc nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, mở rộng các tuyến QL49A, QL49B, mở rộng hầm Phước Tượng – Phú Gia; nâng công suất cảng hàng không quốc tế Phú Bài lên 9 triệu khách/năm; cải tạo tuyến đường sắt khu vực đèo Hải Vân. Nâng cấp cảng nước sâu Chân Mây thành cảng container, cảng du lịch; xây dựng cầu qua sông Hương và hạ tầng một số bãi biển du lịch…

Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ nguồn lực để từng bước khôi phục lại cảnh quan, không gian cố đô; khôi phục toàn bộ những công trình di tích chính trong khu vực Đại Nội (Hoàng Thành) và các công trình văn hóa, khu phố cổ Gia Hội, Chi Lăng, Bao Vinh; bảo tồn phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ Phước Tích phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Trung ương.

Đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái; nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Về giải pháp xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, Nghị quyết của Chính phủ nhấn mạnh cần đầu tư các thiết chế văn hóa đồng bộ cho thành phố di sản, văn hóa, Festival của Việt Nam; đầu tư hạ tầng phát triển du lịch, các khu vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng lớn.

Hình thành và phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá thương hiệu Huế, con người Huế; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Chính phủ yêu cầu hoàn thành Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong năm 2020.

Về giải pháp liên kết, hợp tác, cần đẩy mạnh liên kết, phát huy các tiềm năng, lợi thế riêng có của Thừa Thiên Huế là cố đô duy nhất còn nguyên vẹn của Việt Nam và theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đặc biệt trong liên kết phát triển du lịch di sản, du lịch dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học,…

Đồng thời, cần tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa, quảng bá mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về hình ảnh của Việt Nam, của Huế gắn liền với những đặc trưng về tiềm năng di sản, du lịch, văn hóa, lịch sử, môi trường trong sạch, an toàn, con người thân thiện. Coi trọng và giữ vững quan hệ đặc biệt với các tỉnh của nước bạn Lào.

Cùng với đó, Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu ra các giải pháp về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách; phát triển mạnh các thành phần kinh tế để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thế Phi - Truyền Phương

Nguồn: TITC