Cao Bằng: Đẩy mạnh du lịch địa chất góp phần phát triển kinh tế địa phương

Cập nhật:22/05/2023 17:09:14
Du lịch địa chất là một loại hình du lịch tập trung khai thác các yếu tố liên quan đến địa chất như: địa mạo, cảnh quan, thành phần cấu tạo (hóa thạch, đá núi lửa, trầm tích biển)… và quá trình hình thành các giá trị địa chất đó.
 
Tài nguyên thiên nhiên phong phú, tạo cơ hội đa dạng cho việc mở rộng du lịch địa chất, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương
 
Đây là loại hình du lịch bền vững, mang tính giáo dục và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương dựa trên những tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Theo tiêu chí của UNESCO và mạng lưới công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu, du lịch địa chất được xem là một trong những yêu cầu bắt buộc để phát triển CVĐC.
 
Đối với tỉnh Cao Bằng, khi bắt tay vào xây dựng thành công mô hình CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, việc phát triển loại hình du lịch địa chất sẽ là một nhiệm vụ tất yếu trong chiến lược phát triển địa phương nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bởi CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng có nhiều giá trị đặc biệt về địa chất, văn hóa và thiên nhiên.
 
CVĐC Non nước Cao Bằng được ví như xứ sở của hang động, nơi đây là một vùng đất hiếm để du khách có thể tìm hiểu lịch sử của trái đất qua các dấu tích. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản…, đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của trái đất. Cho đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá và đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi phong phú, đa dạng như: các tháp đá, nón, thung lũng, hang động, hệ thống sông, hồ, hang ngầm…, phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới phía Bắc. Là nơi rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản hình thành ở vùng đất này.
 
CVĐC Non nước Cao Bằng có tới 200 hang động, trong đó 50 hang động có thể khai thác du lịch. Đến với “xứ sở thần tiên” là đến với những hang động lớn có thạch nhũ đá đẹp thuộc loại nhất nhì Việt Nam như: động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), hang Dơi (Hạ Lang)... hay quần thể hồ - sông hang ngầm Thang Hen (Trùng Khánh). Vùng đất này có bề dày văn hóa, lịch sử với 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 khu di tích quốc gia đặc biệt gồm: Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài; Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân năm 1944, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay; Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950; nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như: hang Pác Bó, suối Lê-nin, thác Bản Giốc, Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén… cùng với các làn điệu âm nhạc dân gian của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.
 
Tất cả các yếu tố trên trở thành một trong những sản phẩm du lịch độc đáo được ưu tiên lựa chọn khi du khách đến với Cao Bằng. Việc chú trọng phát triển loại hình du lịch địa chất sẽ không gây áp lực cho đầu tư hạ tầng, mà ngược lại giúp tỉnh ta có thời gian quy hoạch lại bài bản chiến lược phát triển du lịch, từng bước xây dựng và mở rộng thị trường du khách tiềm năng, góp phần khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch trong nước cũng như thế giới.
 
Đặc biệt, với việc chính thức được UNESCO công nhận danh hiệu, CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã chứng minh được các yếu tố đặc trưng về địa chất, địa mạo, văn hóa và đa dạng sinh học mang tầm quốc tế và khu vực để phát triển loại hình du lịch công viên địa chất.
 
Theo Ban Quản lý CVĐC Cao Bằng, việc xây dựng và phát triển CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, phát triển du lịch địa chất là một xu hướng mới và phù hợp tỉnh nhiều tiềm năng địa chất hấp dẫn như Cao Bằng. Đồng thời, triển khai đồng bộ, tạo sự kết nối giữa các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, giao thông, nông nghiệp, môi trường…, là giải pháp hiệu quả nhất nhằm phát triển kinh tế khu vực miền núi.
 
Du lịch địa chất là lĩnh vực mới mẻ nhưng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch. Du lịch tại CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã phát triển nhanh chóng trong thời gian qua và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi du khách quốc tế khám phá sự phong phú các di sản thiên nhiên và văn hóa của đất nước. Sự tăng trưởng này chắc chắn sẽ đem lại nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế địa phương, đồng thời đặt ra những thách thức đối với bảo tồn di sản. Như vậy, du lịch nói chung phải được quản lý theo cùng một nguyên tắc phát triển bền vững như với du lịch địa chất nói riêng, nghĩa là các tiến bộ trong phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo tồn sức khỏe môi trường. Với những ý tưởng bước đầu hình thành, du lịch địa chất có thể mang lại ưu thế phát triển cho ngành du lịch Cao Bằng.
 
N.A
Nguồn: Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn