Đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hàng đầu du lịch nghỉ dưỡng

Cập nhật:11/03/2024 16:25:45
Khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất, du lịch Vĩnh Phúc ngày càng khởi sắc. Hiện thực hóa mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch nghỉ dưỡng có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế, các cấp, ngành chức năng và địa phương đã và đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động nhiều nguồn lực triển khai thực hiện theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
 
Khu du lịch Tam Đảo với khí hậu quanh năm mát mẻ, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ được các doanh nghiệp, ngành du lịch đầu tư bài bản, đem lại những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng, hài lòng đa số du khách. Ảnh: Chu Kiều
 
Với sự đa dạng về địa hình, phong phú về hệ sinh thái, Vĩnh Phúc trở thành điểm đến được nhiều du khách lựa chọn trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua. Chỉ trong 5 ngày nghỉ Tết (từ ngày mùng 1 đến mùng 5 Tết), toàn tỉnh đã đón hơn 190 nghìn lượt khách đến tham quan và nghỉ dưỡng, tập trung tại các Khu du lịch Tam Đảo, Đại Lải... khởi đầu hứa hẹn một năm hoạt động đầy triển vọng cho ngành du lịch.
 
Đặc biệt, trong bối cảnh năm nay các cơ sở dịch vụ đã phối hợp với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh phát triển các tour nghỉ dưỡng, tham quan mới để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch gắn với chương trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
 
Những năm gần đây, với sự quan tâm đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống nhà hàng, khách sạn được tăng cường đầu tư, nâng cấp ngày càng hiện đại và đầy đủ tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của khách trong và ngoài nước cùng chất lượng dịch vụ tại các địa điểm du lịch được nâng lên, công tác quảng bá xúc tiến có nhiều đổi mới đã góp phần nâng tầm vị thế du lịch Vĩnh Phúc trên bản đồ du lịch quốc gia và trên thế giới.
 
Điều này mở thêm cơ hội cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ để thu hút khách du lịch đến với Vĩnh Phúc. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 21 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch lữ hành; 563 cơ sở lưu trú du lịch; thu hút hơn 6.100 lao động làm việc.
 
Mặc dù có nhiều khởi sắc, song, theo đánh giá của các ngành chức năng, lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương cũng như vai trò của một ngành kinh tế động lực.
 
Lượng khách du lịch đến Vĩnh Phúc tăng cao qua các năm và một số sản phẩm du lịch chất lượng cao có bước phát triển, song so với các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… thì lượng khách đến Vĩnh Phúc còn hạn chế, các sản phẩm lưu trú, dịch vụ du lịch chất lượng cao còn ít, hạ tầng du lịch bất cập, chưa có sức hấp dẫn mạnh đối với các nhà đầu tư, nguồn nhân lực về du lịch thiếu và tỷ lệ qua đào tạo thấp.
 
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc lại nằm kề Thủ đô Hà Nội nên chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ, đòi hỏi sản phẩm du lịch của Vĩnh Phúc phải đạt được tính độc đáo và hấp dẫn hơn.
 
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh định hướng và đặt ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng “Dịch vụ chất lượng - Sản phẩm khác biệt - Hiệu quả bền vững”.
 
Vừa phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, vừa tạo dựng một phong cách riêng với các loại hình mới, độc đáo, đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch nghỉ dưỡng có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế; đầu tư khai thác hiệu quả các sân Golf, dịch vụ thể thao, giải trí…
 
Trên cơ sở đó, theo phương án tổ chức kinh tế - xã hội, hành lang phát triển du lịch - đô thị nghỉ dưỡng phía Bắc là hành lang phát triển dọc theo chân dãy núi Tam Đảo kéo dài qua khu vực hồ Vân Trục hướng ra sông Lô, kết nối các điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch gôn, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện (du lịch MICE)… tạo sức hấp dẫn lớn gắn với phát triển bất động sản nghỉ dưỡng.
 
Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh đã và đang tập trung huy động và tranh thủ các nguồn vốn xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ, các cơ sở lưu trú, điểm đến trở thành nơi nghỉ dưỡng có chất lượng dịch vụ đạt chuẩn quốc tế.
 
Thu hút đầu tư các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch ven sông… tại các khu vực trọng điểm du lịch.
 
Đẩy mạnh xúc tiến du lịch có chiều sâu với các hoạt động xúc tiến đa dạng, bắt kịp xu thế marketing, truyền thông toàn cầu, có định hướng ưu tiên vào một số thị trường khách du lịch quốc tế tiềm năng, có nhu cầu nghỉ dưỡng, tìm hiểu, trải nghiệm dài ngày, phù hợp với các loại hình du lịch có thế mạnh của tỉnh; thúc đẩy xúc tiến du lịch nội địa.
 
Đẩy mạnh kết nối, hợp tác với doanh nghiệp lữ hành khảo sát, xây dựng các tour du lịch tại Vĩnh Phúc hoặc liên kết với các tỉnh lân cận; hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành gắn với phát triển du lịch bền vững.
 
Tiếp tục khai thác các tiến bộ khoa học công nghệ 4.0, phát triển thêm các phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh để giới thiệu, cung cấp thông tin du lịch và các thông tin cần thiết khác cho khách du lịch. Bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng cho lao động làm việc tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống…
 
Lưu Nhung
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc - baovinhphuc.com.vn