Hòn Đất khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch

Cập nhật:20/01/2020 16:35:05
Nằm trong vùng trọng điểm du lịch của tỉnh, huyện Hòn Đất có nhiều tiềm năng khai thác và phát triển du lịch (PTDL) trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa Internet

Hàng năm, Khu Di tích Lịch sử - Thắng cảnh (DTLT-TC) Hòn Đất và di tích lịch sử trên địa bàn huyện đón khoảng 150.000 lượt khách tham quan, học tập và tìm hiểu lịch sử.

Khai thác tiềm năng du lịch

Khu DTLT-TC Hòn Đất trên địa bàn xã Thổ Sơn là vùng đất gắn với khu căn cứ cách mạng Ba Hòn đi vào lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Tại Khu DTLT-TC Hòn Đất có quần thể núi Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Quéo giữa vùng đồng bằng ven biển, tạo thế đứng hùng vĩ trong vùng căn cứ cách mạng Ba Hòn. Theo đồng chí Trần Văn Hiền - Trưởng Ban Quản lý DTLT-TC Hòn Đất, tại núi Hòn Đất được đầu tư xây dựng hệ thống các hang hòn và khu mộ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng. Núi Hòn Me có trung tâm phát sóng truyền hình Trung ương, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Núi Hòn Quéo hiện có Tam Bảo Kỳ Viên tự và khu bãi đá bán sơn thủy... tạo nên bức tranh phong cảnh đẹp, hữu tình, thuận lợi cho việc khai thác và PTDL. Anh Tăng Văn Thòn - giảng viên Trường Đại học Trà Vinh, cho biết: “Nhiều lần đến tham quan Khu DTLT-TC Hòn Đất, tôi rất thích nơi này. Nơi đây không chỉ là địa chỉ về nguồn, tìm hiểu truyền thống lịch sử cách mạng mà còn có phong cảnh hữu tình”.

Khu DTLT-TC Hòn Đất cùng với Di chỉ khảo cổ học Óc Eo Nền Chùa và Nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer Sóc Xoài là 3 di tích trên địa bàn huyện Hòn Đất được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Huyện còn có 3 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh: Bia chiến thắng Sóc Xoài; Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo; di chỉ khảo cổ học Óc Eo Giồng Xoài. Về Hòn Đất, du khách còn có thể đến thăm các làng nghề nung nồi đất, cà om, nghề đan đệm, bó chổi, làm đá… Ngoài ra, Hòn Đất nổi tiếng với các loại cây ăn trái đặc trưng có chất lượng cao phục vụ du lịch như xoài cát Hòa Lộc Thổ Sơn, bí Vàm Răng, khoai lang Mỹ Thái, táo Sơn Bình, khóm Bình Sơn… Hòn Đất có hệ thống rừng ngập mặn theo chiều dài bờ biển 50km. Hàng năm, sản lượng nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng đem lại thu nhập khá lớn cho người dân vùng ven biển và hứa hẹn tiềm năng PTDL dưới tán rừng…

Định hướng tới

Thời gian qua, công tác quy hoạch PTDL được huyện Hòn Đất quan tâm thực hiện. Huyện triển khai thực hiện lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực Ba Hòn, quy mô khoảng 505ha trình Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến. Trong đó, gần 100ha đất bãi bồi ven biển từ Hòn Me đến Hòn Đất quy hoạch thành khu cảng biển du lịch, khu bãi tắm biển nhân tạo, khu nghỉ dưỡng ngắn ngày, khu resort, làng sinh thái, khu đô thị, khu vui chơi, giải trí...

Theo đồng chí Đỗ Văn Tân - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòn Đất, các cấp ủy đảng, chính quyền của huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và doanh nghiệp về yêu cầu phát triển kinh tế du lịch. Hòn Đất tiến tới xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng, đặc sắc, đa dạng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của du khách, tập trung phát triển 3 loại hình du lịch đặc trưng: Du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch tham quan di tích văn hóa, lịch sử. Đối với du lịch tham quan di tích văn hóa, lịch sử, huyện tập trung nguồn vốn trùng tu, tôn tạo Khu DTLT-TC Hòn Đất và di tích lịch sử trên địa bàn. Trong đó, chú trọng trùng tu, tôn tạo khu mộ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng; phục dựng một số hình ảnh tại hang Quân y, hang Quân trang để tái hiện lịch sử cách mạng ở các hang...

Đối với du lịch văn hóa tâm linh, huyện Hòn Đất kêu gọi đầu tư đền thờ các anh hùng, liệt sĩ tại núi Hòn Đất; quan tâm đầu tư, nâng cấp một số chùa, miếu và đền thờ được sự quan tâm của người dân: Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Đền thờ Vua Hùng, Tam Bảo Kỳ Viên tự, Điện Mặt trăng... Đồng chí Trần Thị Lệ Hiền - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòn Đất, cho biết: “Huyện duy trì tổ chức và nâng cấp các lễ hội truyền thống trên địa bàn, trong đó chọn Lễ hội kỷ niệm Ngày hy sinh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng làm lễ hội chủ đạo để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch hàng năm”.

Hòn Đất quan tâm PTDL sinh thái bằng cách quy hoạch vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao phục vụ du lịch, chú trọng đầu tư mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, du lịch nhà vườn. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ để duy trì và phát triển các ngành, nghề truyền thống như nghề gốm, nghề đan lát, nghề làm đá thủ công… Ngành chức năng của huyện có kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, các di tích lịch sử, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

Thái Hà

Nguồn: Sở Du lịch Kiên Giang