Bạc Liêu: Phát huy lợi thế các di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, ẩm thực và hệ thống sông nước, những cánh đồng lớn vùng phía Bắc Quốc lộ 1A gắn với phát triển du lịch

Cập nhật:17/12/2021 16:56:38
Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu (Sở VHTTTTDL) vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển vùng phía Bắc Quốc lộ 1A đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu trọng tâm là đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy lợi thế hệ thống các giá trị di tích lịch sử, các lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực và hệ thống sông nước, những cánh đồng lớn của vùng nhằm phát triển du lịch.
 
Di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh tại xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân
 
Theo đó, Sở VHTTTTDL đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển du lịch vùng phía Bắc Quốc lộ 1A đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, như sau:
 
Khai thác các giá trị văn hóa tâm linh, các cơ sở tôn giáo có sức ảnh hưởng, có thương hiệu như Nhà thờ Tắc Sậy, chùa Giác Hoa, chùa Cỏ Thum… để hình thành và phát triển sản phẩm du lịch có tính độc đáo và hấp dẫn của Bạc Liêu; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh, Tháp Vĩnh Hưng, Di tích Nọc Nạng, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh… để đưa vào khai thác phát triển tour/tuyến du lịch phục vụ khách du lịch; tổ chức tốt các lễ hội truyền thống hàng năm như Lễ hội dấu ấn Đồng Nọc Nạng, lễ hội Ok Om Bok… và các lễ hội tiêu biểu khác gắn với các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí để quảng bá, thu hút du khách.
 
Phát triển không gian du lịch với các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái sông nước theo tuyến kênh từ thành phố Bạc Liêu đi Vàm Lẻo và đi Ngan Dừa, tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp; du lịch kết hợp với tham quan các di tích văn hóa, lịch sử và tham quan, trải nghiệm các làng nghề… tạo thành không gian thuận lợi cho hoạt động du lịch phát triển, có khả năng thu hút các nhà đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của Bạc Liêu.
 
Tiếp tục mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, điểm du lịch đã được quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án khu văn hóa đa năng Thiên Phúc, điểm dịch vụ du lịch khu Nhà thờ Tắc Sậy; cải tạo mở rộng các tuyến giao thông đến các di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng của tỉnh trên địa bàn; huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng các điểm dừng, nghỉ trên các tuyến du lịch, các điểm trưng bày, giới thiệu, bán quà lưu niệm, đặc sản, sản phẩm OCOP của Bạc Liêu.
 
Xây dựng Đề án và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm vùng phía Bắc Quốc lộ 1A với thế mạnh chủ lực là sản phẩm du lịch “miệt đồng quê”, giúp du khách trải nghiệm các làng nghề truyền thống, thưởng thức các món ăn đặc sản, tham quan các di tích lịch sử; hình thành them tuyến du lịch mới trên cơ sở phát huy lợi thế của Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp (sắp tới là tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau), kết nối từ Cần Thơ đến Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và kết nối với Kiên Giang.
 
Phát động nhân dân cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái, cải tạo mặt nước ao hồ để thả nuôi các loại thủy sản và động vật có giá trị để phát triển các khu du lịch vườn, du lịch đồng quê; hình thành các điểm du lịch sinh thái trên cơ sở phát huy lợi thế hệ thống sông nước, những cánh đồng lớn nhằm đáp ứng tốt nhu cầu, xu hướng của khách du lịch; xây dựng một số tuyến đi bộ mang đậm chất văn hóa Bạc Liêu tại trung tâm hành chính các huyện trong vùng, nhất là tuyến phố đi bộ khu vực Nhà thờ Tắc Sậy để góp phần phát triển du lịch về đêm, kéo dài thời gian lưu trú và tăng trải nghiệm cho du khách khi đến với Bạc Liêu.
 
 Ngô Thời Nhiệm
Nguồn: Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Bạc Liêu