Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tại Lễ khai mạc. (Ảnh: Trọng Đức - TTXVN)
Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2016) và chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).
Tham dự lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế; đại diện các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thuộc các vùng, miền trong cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Đoàn kết toàn dân là truyền thống và di sản văn hóa quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước… Từ khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập cách đây 86 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc đã được nâng lên và phát huy mạnh mẽ. Ngày nay, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn là một nguồn lực bên trong quan trọng để nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bên cạnh việc phải thông tin cho nhân dân về tình hình và đường lối phát triển đất nước, lắng nghe ý kiến của nhân dân về mọi mặt của cuộc sống ở địa phương, hỗ trợ sáng kiến và tự quản của nhân dân để chăm lo cuộc sống của mỗi gia đình, sự phát triển của mỗi địa phương và cả nước, việc bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là nhiệm vụ chiến lược của của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và cần phải được thực hiện qua những việc làm phong phú, sinh động, thiết thực, cụ thể.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi mỗi người Việt Nam là cán bộ, đảng viên, nông dân, công nhân, chiến sĩ, thầy thuốc, nhà giáo, thanh niên, phụ nữ, linh mục, hòa thượng ở mọi làng quê, thành phố và ở nước ngoài hãy góp sức chung tay xây dựng và phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc mỗi ngày.
Chia sẻ về Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Nhiều hoạt động phong phú, thiết thực sẽ được tổ chức từ ngày 18-23/11 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam như: Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; tái hiện các lễ hội, nghi lễ truyền thống của các dân tộc; biểu diễn, giới thiệu một số di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống... Những hoạt động này nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; góp phần hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Trong đêm khai mạc, với carnaval “Con đường văn hóa”, người xem được trải nghiệm không gian văn hóa hội tụ đủ đầy các sắc màu dân tộc, vùng miền từ Bắc vào Nam. Đó là miền núi phía Bắc với những lễ hội độc đáo, những buổi chợ phiên, những bài hát then đàn tính, điệu xòe gắn kết tình người...; xứ Huế dịu dàng, mộng mơ pha lẫn trầm tư của mảnh đất kinh kỳ; miền đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, với không gian văn hóa cồng chiêng; xứ miệt vườn Nam Bộ với đặc sản “đờn ca tài tử” và những màn kịch múa Rô băm, dù kê của đồng bào Khmer…
Đặc biệt, chương trình nghệ thuật “Vòng tay Mẹ - Bài ca kết đoàn” đã mang tới cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc, vừa tự hào về truyền thống đoàn kết toàn dân tộc được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, vừa hãnh diện về những tinh hoa văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em./.
Việt Hà