Ninh Bình: Khó khăn trong quản lý, đào tạo người lái phương tiện thủy nội địa tại Bến thuyền Đình Các

Cập nhật:05/05/2017 11:03:46
Việc thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa bắt buộc phải có chứng chỉ chuyên môn mới được phép hành nghề đã được quy định tại Nghị định 132/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này tại Bến thuyền Đình Các (thuộc Ban quản lý khu du lịch Tam Cốc - Bích Động) đang gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều yếu tố không đảm bảo TTATGT đường thủy trên địa bàn.


Khách du lịch thăm Tam Cốc - Bích Động

100% lái đò chưa có chứng chỉ chuyên môn

Hiện nay, Bến thuyền Đình Các do doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường quản lý, có khoảng 650 phương tiện thủy nội địa với 1.100 người điều khiển, trong đó phương tiện chủ yếu là đò thô sơ chèo tay vỏ thép, với sức chở 4 người/đò.

Trong những ngày đầu năm, mỗi ngày có hàng trăm du khách đến tham quan tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người lái đò tại Bến thuyền Đình Các chủ yếu là người dân thôn Văn Lâm, sinh sống xung quanh khu vực Bến thuyền, thuộc xã Ninh Hải - Hoa Lư, có độ tuổi từ 18 - 70 tuổi, thậm chí có người 80 tuổi.

Từ lâu nay, các đối tượng này được Ban quản lý Bến thuyền và thôn Văn Lâm tạo điều kiện cho lái đò chở khách du lịch tại đây để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương lúc nông nhàn. Tuy nhiên, điều đáng nói là 100% đối tượng này hiện chưa có chứng chỉ chuyên môn về lái đò, nhưng vẫn thực hiện chèo đò chở khách du lịch hàng ngày.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ trước đến nay Sở Giao thông – Vận tải Ninh Bình đã nhiều lần phối hợp với Công an tỉnh, UBND xã Ninh Hải tổ chức tuyên truyền, chỉ đạo cơ sở dạy nghề đường thủy nội địa đến tận nơi để tổ chức đào tạo cấp Giấy chứng nhận học tập pháp luật giao thông đường thủy nội địa cho người lái phương tiện (chứng chỉ chuyên môn) nhưng đến nay vẫn chưa tổ chức được do người dân chưa chấp hành.

Nguyên nhân do đâu?

Ông Nguyễn Văn Hoạt, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho rằng: Do tư duy của bà con nghĩ rằng họ có khả năng chèo đò tốt rồi, không cần phải đi học; bên cạnh đó do hiểu biết của người dân về việc thực hiện quy định của Luật giao thông đường thủy còn hạn chế, chưa nhận thức được tác dụng của việc tham gia lớp học pháp luật ATGT đường thủy nội địa.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do Bến thuyền Đình Các đã được hình thành từ rất lâu (khoảng năm 1989 - 1990), từ khi khu du lịch Tam Cốc mới hình thành sơ khai, Doanh nghiệp Xuân Trường còn chưa tham gia quản lý, người dân đã tự phát trong việc khai thác chở đò và xây dựng thành Bến nhỏ.

Do khách du lịch biết đến và tới tham quan ngày càng nhiều, nên thời điểm đó thôn Văn Lâm đã đề ra hương ước, cứ mỗi gia đình có hộ khẩu thường trú tại thôn thì được thôn cấp cho 1 số đò (tương đương với 1 đò) để chở khách tại Bến thuyền Đình Các, gia đình nào không có nhu cầu chở đò thì có thể bán, nhượng hoặc chung đò với người khác. Và nghiễm nhiên người chở đò là thành viên trong các gia đình, không kể độ tuổi, trong đó có cả các chủ hộ dù tuổi đã cao nhưng vẫn tham gia chở đò để tận dụng lao động, nâng cao thu nhập.

Việc thực hiện theo hương ước đó của thôn từ trước đến nay đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, vì vậy rất khó trong việc áp dụng quy định về độ tuổi của người lái đò trong giai đoạn hiện nay. Trong khi đó, hiện có trên 30% số lái đò tại Bến thuyền Đình Các quá độ tuổi quy định được tham gia chở đò.

Các cơ quan chức năng nói gì?

Theo quy định của Luật Giao thông đường thủy, giới hạn về độ tuổi của người lái đò là không quá 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam. Người lái phương tiện thủy nội địa sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không mang theo chứng chỉ chuyên môn; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không mang theo bằng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoặc không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Nhưng theo chúng tôi được biết lâu nay, các ngành chức năng chưa xử phạt trường hợp nào vi phạm về chứng chỉ chuyên môn tại Bến thuyền Đình Các.

Trao đổi vấn đề này với ông Hoàng Quốc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở Giao thông - Vận tải được biết: Các lái đò tại Bến thuyền Đình Các không có chứng chỉ chuyên môn lái đò ngoài vi phạm quy định về Luật Giao thông đường thủy, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố làm mất TTATGT đường thủy tại khu vực. Vì vậy, thời gian qua Sở đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở Bến thuyền, lập biên bản nghiêm cấm người chưa có chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện.

Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Hoa Lư, UBND xã Ninh Hải phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tổ chức đào tạo cấp giấy chứng nhận học tập pháp luật giao thông đường thủy nội địa cho người lái phương tiện, đồng thời chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, xử lý, đình chỉ hoạt động của các phương tiện chở khách chưa đủ điều kiện về an toàn theo quy định, trong đó có Giấy chứng nhận học tập pháp luật giao thông đường thủy nội địa; yêu cầu Ban quản lý Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động tổ chức tuyên truyền, vận động người dân để sớm có phương án tổ chức cho 1.100 người lái phương tiện học, cấp Giấy chứng nhận học tập pháp luật giao thông đường thủy nội địa theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Hoạt - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết: Đây là một trong những tồn tại mà lâu nay xã chưa giải quyết được, mặc dù chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia lớp đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn cho lái đò theo quy định của Luật Giao thông đường thủy, nhưng xã cũng rất khó khăn trong việc xử lý sai phạm, bởi người dân thôn Văn Lâm chiếm dân số già nửa xã, nếu kiên quyết xử lý thì người dân sẽ đồng loạt phản ứng tiêu cực như không chở đò, làm ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự của địa phương.

Ông Trần Xuân Thành, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch Tam cốc - Bích Động cho biết: Theo quy định, Ban quản lý được phép quản lý về con người và phương tiện chở đò, nhưng tại Bến thuyền Đình Các, việc quản lý người và phương tiện đò do thôn Văn Lâm thực hiện, Ban quản lý chúng tôi chỉ thực hiện việc sắp xếp, điều hành phân công số đò chở khách.

Do vậy, rất khó để Ban quản lý can thiệp hay đình chỉ việc lái đò của người dân khi người đó không đủ điều kiện. Chúng tôi mong muốn, các cấp chính quyền địa phương cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy định về Luật Giao thông đường thủy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo đúng chức năng mà Luật đã quy định.

Thiết nghĩ, đã là luật thì tất cả mọi người dân đều phải thực hiện. Các ngành chức năng cần quyết liệt hơn trong công tác quản lý và xử lý các đối tượng vi phạm.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh hoạt động đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho những người lái đò tại Bến đò Đình Các, đòi hỏi các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội... phải cùng vào cuộc một cách đồng bộ, kiên quyết vì mục tiêu xây dựng Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động trở thành điểm sáng về văn minh, văn hóa và an toàn.

Bài, ảnh: Gia Nghĩa

Nguồn: baoninhbinh.org.vn