Vượt sóng trùng khơi đến với Cô Tô, đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc, nhiều người không khỏi xúc động khi đứng dưới Tượng đài Bác Hồ hướng ra biển Đông. Đây chính là tượng đài duy nhất Người đồng ý cho dựng khi còn sống nhân dịp đến thăm đảo ngày 9/5/1961, trở thành biểu tượng, điểm tựa tinh thần cho người dân trước sóng gió biên thùy.
Tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô là tượng Bác duy nhất Người đồng ý cho dựng lúc sinh thời
Với những người con Cô Tô ngày ấy, thời khắc lịch sử 9/5/1961 luôn được lưu giữ trọn vẹn. Giữa lúc miền Bắc đang bước đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa, miền Nam chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới ác liệt, giữa bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian tới thăm quân dân đảo Cô Tô, nơi tiền tiêu xa xôi cách đất liền 60 hải lý.
Bà Trần Thị Trác, nay đã 74 tuổi, khi ấy là nữ dân quân cùng bộ đội đảo bảo vệ an ninh trật tự trong buổi đón Bác, rưng rưng kể lại: "Người đi thăm đồng muối, bờ ruộng khoai cùng nông dân, tới thăm hỏi gia đình thuyền chài. Người dặn dò từng ngư dân, chiến sĩ “Thủ đô Hà Nội tuy xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”. Xúc động nghẹn ngào, dân đảo xin phép được dựng tượng Bác và Người đã đồng ý. Cô Tô vinh dự trở thành nơi duy nhất được đặt tượng khi Bác sinh thời.
Bà Trần Thị Trác bồi hồi: “Tôi nghe tin Bác ra thăm đảo rất phấn khởi, lúc nào cũng mong Bác đến để mình được gặp mặt. Thời gian Bác ở đây rất ngắn nhưng ai ai cũng vui mừng. Bác rất quan tâm đến vùng biên giới, hải đảo. Mình lúc nào cũng nghĩ đến tình cảm ấy nên làm gì cũng nhớ đến Bác, mình không có đi đâu hết, cứ yên tâm ở đây bám đảo. Vì có tượng Bác ở đây”.
Những dòng lưu bút đầy xúc động của nhiều người dân, chiến sĩ khi tới thăm tượng Bác
Năm 1968, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế và đồng nghiệp dựng tượng Bác bán thân bằng thạch cao. Đến năm 1976 thay bằng tượng toàn thân bằng bê tông cốt thép. Và tới năm 1996, nhân kỷ niệm 106 năm sinh nhật Người, tượng đài bằng đá granit được dựng cho tới ngày nay. Hình ảnh Người giơ tay vẫy chào, lưng tựa vào núi, mắt hướng ra biển Đông ở Cô Tô vẫn được coi là tượng Bác đẹp nhất vùng Đông Bắc.
Ông Bùi Đức Bổng, người cựu chiến binh 77 tuổi bảo, dân đảo có một niềm tự hào rất giản dị, đó là luôn có Bác Hồ ở bên. Tượng Bác đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, nơi thăm viếng đầy tôn kính để mỗi người Cô Tô dặn lòng mình học tập theo tấm gương, phong cách của Người: “Ở đây đảo xa sóng gió nhưng Bác cũng ra thăm, bà con ở đây ơn Bác Hồ nhiều lắm. Tượng Bác Hồ với người dân Cô Tô rất có ý nghĩa. Ngày sinh nhật Bác, ngày Quốc khánh và những ngày lễ lớn bà con đều ra thắp hương tưởng nhớ, khi đi qua cũng bỏ mũ bỏ nón kính cẩn chào”.
Đáp lại tình cảm của Bác Hồ, 56 năm qua, sức mạnh tinh thần ấy đã góp phần giúp người dân nơi đây đã biến khó khăn thành lợi thế, thành khác biệt để phát triển.
Ông Lê Xuân Thành, người dân Cô Tô vui mừng kể trước năm 1994, Cô Tô vẫn là một xã đảo, đời sống nhân dân xây dựng kinh tế mới khó khăn. Sau khi thành lập huyện đảo, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, Cô Tô dần phát triển du lịch. Tháng 10/2013, điện lưới quốc gia ra đảo, nhân dân rất phấn khởi, có điện giúp nhân dân thuận lợi trong khai thác, đánh bắt hải sản, các dịch vụ phát triển mạnh mẽ. Người dân yên tâm xây dựng và bám trụ với đảo.
Khu di tích tưởng niệm Hồ Chủ tịch được xây dựng khang trang, là điểm đến không thể thiếu của du khách
Giờ đây, đến Cô Tô, Khu di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch với tượng Bác, đền thờ, nhà bia, nhà lưu niệm là điểm tham quan không thể thiếu. Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết, khu di tích sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng huyện nhà tiếp tục đầu tư mở rộng, là điểm đến để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, về tư tưởng của Bác.
Khắc ghi lời Bác, Cô Tô ngày nay đã vươn mình trên sóng, trở thành huyện đảo nông thôn mới đầu tiên của cả nước, điểm đến du lịch biển đảo hàng đầu của miền Bắc. Cô Tô không chỉ có sóng biển mà còn có sóng wifi, không chỉ có tàu cá mà còn có thuyền du lịch, những nhà hàng, khách sạn mọc lên san sát. Cùng với nông dân, ngư dân là du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng những dự án đô thị sinh thái biển tương lai. Trên sóng cả, các chiến sĩ bộ đội cụ Hồ đêm ngày chắc tay súng, bảo vệ bình yên vùng biển Đông Bắc thiêng liêng./.
Trường Giang