Hoa là biểu tượng của thành phố Đà Lạt, cũng là niềm tự hào của người dân nơi này. Trong quá trình hình thành và phát triển Đà Lạt đã xây dựng được 4 làng hoa truyền thống quy mô lớn và có thương hiệu. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các làng hoa vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, trong vấn đề kết nối, phát triển du lịch.
Phát triển làng hoa chưa tương xứng với tiềm năng
Với điều kiện khí hậu, thiên nhiên ưu đãi, hoa là một trong những cây trồng thế mạnh của ngành nông nghiệp Đà Lạt, đóng góp đáng kể trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương. Quá trình phát triển ngành trồng hoa thành phố Đà Lạt đã tạo nên những làng nghề truyền thống chuyên trồng hoa. Từ năm 2009 đến 2015, Đà Lạt đã công nhận 4 làng hoa đạt tiêu chí làng nghề truyền thống gồm: Làng hoa Thái Phiên (Phường 12); Làng hoa Hà Đông (Phường 8); Làng hoa Vạn Thành (Phường 5); Làng hoa Xuân Thành (xã Xuân Thọ). Với diện tích hoa khoảng 600 ha, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3.200 lao động.
Theo thông tin thống kê từ Hội Nông dân thành phố Đà Lạt, hàng năm, các làng hoa cung ứng cho thị trường trên 650 triệu cành. Giá trị thu hoạch bình quân từ trồng hoa của nông dân thành phố Đà Lạt đạt 800 triệu đồng/ha/năm. Việc ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống góp phần thúc đẩy, phát triển các làng hoa. Một số mô hình canh tác hoa chất lượng cao đạt giá trị sản xuất từ 1 - 3 tỷ đồng/ha/năm. Tuy vậy, hiện nay, hàng năm các làng hoa mới chỉ đón khoảng 10.000 lượt du khách đến tham quan, học tập mô hình canh tác hoa. Con số này là không cao so với sự phát triển du lịch nói chung ở Đà Lạt.
Ông Hồ Ngọc Dinh - Chủ tịch Hội Nông dân Phường 12, Làng hoa Thái Phiên, nói: “Hiện nay việc sản xuất hoa đã đảm bảo tốt cho đời sống của bà con tại Làng hoa Thái Phiên. Tuy nhiên, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất hoa thương phẩm chưa đồng bộ từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; sản lượng hoa xuất khẩu vẫn còn thấp. Với nền tảng là các vùng hoa đẹp là lợi thế để phát triển du lịch. Song hai loại hình này chưa thực sự hỗ trợ phát triển cho nhau tại Làng hoa Thái Phiên”.
Đó cũng là thực trạng chung của các làng hoa trên địa bàn thành phố. Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng hai ngành thế mạnh của Đà Lạt là du lịch và nông nghiệp vẫn mạnh ai nấy làm, chưa có sự kết hợp hiệu quả. Nông dân chủ yếu sản xuất hoa để bán. Các công ty du lịch chỉ khai thác tour dựa trên những cảnh quan, địa điểm du lịch được quy hoạch sẵn.
Xây dựng nghị quyết phát triển làng hoa
Với mục tiêu tôn vinh, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của nghề trồng hoa; xây dựng và phát triển các làng hoa theo quy hoạch gắn với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đặc biệt đưa tên các làng hoa trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch của thành phố, lần đầu tiên Thành ủy Đà Lạt ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển các làng hoa trên địa bàn thành phố Đà Lạt đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó nhấn mạnh tới phát triển làng hoa gắn với du lịch.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, giá trị thu hoạch bình quân 1 ha đất sản xuất hoa đạt 1 tỷ đồng/năm. Mỗi làng hoa hình thành 1 - 2 hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất hoa công nghệ cao gắn với hoạt động du lịch canh nông. Kết nối 4 - 5 tuyến du lịch nổi tiếng của Đà Lạt đến với các làng hoa. Thu hút du khách đến các làng hoa đạt trên 20.000 lượt.
Đồng chí Huỳnh Thị Thanh Xuân - Bí thư Thành ủy Đà Lạt cho biết: Trước đây, các làng hoa được công nhận song chưa thực sự có chuyển biến, phát triển mạnh mẽ. Bởi vậy việc ban hành và đi vào thực hiện nghị quyết chuyên đề sẽ như là một “cú hích” tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các làng hoa.
Công tác quy hoạch các làng hoa hiện đang được thực hiện trên cơ sở quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Thành ủy đã yêu cầu các cấp ủy đảng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến tất cả các tầng lớp nhân dân, nhất là ở các làng hoa để nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận, hưởng ứng và cùng tham gia.
“Sự nỗ lực của các làng hoa đóng vai trò chủ đạo. Trên cơ sở Nghị quyết, Thành ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có các làng hoa chủ động xây dựng các đề án cụ thể, phù hợp với điều kiện, tình hình tại các làng hoa để cùng với sự hỗ trợ của thành phố, các làng hoa sẽ chủ động vươn lên phát triển” - Bí thư Thành ủy Đà Lạt nhấn mạnh.
Thành phố Đà Lạt đã xây dựng kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng, chỉnh trang các làng hoa; kết nối các khu vực sản xuất, chế biến hoa đến khu vực trưng bày, mua bán sản phẩm và các điểm văn hóa truyền thống của làng nghề, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách…
Đồng chí Huỳnh Thị Thanh Xuân cho rằng: “Yếu tố con người luôn đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện mọi nhiệm vụ. Bởi vậy, thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh để đào tạo nhân lực nông nghiệp gắn với du lịch. Từ đó đa dạng hóa dịch vụ du lịch tại làng nghề gắn với quảng bá, xúc tiến, đầu tư thương mại”.