Cùng thuộc mảnh đất miền Trung nhưng không sôi động như Đà Nẵng, không thâm trầm như Huế, Quảng Nam luôn mang lại cho du khách những cảm nhận thú vị bởi vẻ đẹp từ chiều sâu văn hóa cùng nét giản dị mà phóng khoáng của con người và thiên nhiên. Ở mảnh đất có bề dày lịch sử ấy, có một ngôi làng được người dân đất Quảng gọi là xứ tiên - làng Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, phía Tây Nam của tỉnh Quảng Nam.
Huyện Tiên Phước là vùng bán sơn địa, chỗ cao là gò, đồi, vùng trũng thấp là thung lũng với suối, khe, ruộng đồng; làng này cách biệt làng kia, thường là những dãy đồi bao quanh, tạo nên những thung lũng nhỏ. Theo những vị cao niên ở làng cổ Lộc Yên, làng được hình thành từ nửa cuối thế kỷ 18, do ông Nguyễn Công Tuyết - người Tam Kỳ, đưa dân Đinh về chốn này khai cơ, lập nghiệp, tạo dựng nên ngôi làng này.
Đặt chân tới làng cổ Lộc Yên, du khách có thể tìm thấy những hình ảnh rất giản dị, gần gũi, thân thiết, rất đặc trưng của làng quê xứ Quảng. Đó là những nhà cổ trầm mặc giữa lưng chừng đồi núi, ẩn mình trong không gian xanh mướt của những vườn cây, hàng cau và ngõ đá. Lộc Yên là một không gian làng khá tiêu biểu ở Quảng Nam.
Không giống những ngôi làng cổ khác như Đường Lâm hay Phước Tích, điểm nhấn nổi bật không nơi nào có được của Lộc Yên đó chính là văn hóa đá đậm nét trong đời sống sinh hoạt của cư dân cũng như trong bức tranh tổng thể của làng. Màu xanh phủ rợp khắp nơi, cỏ hoa hồn nhiên vươn ra từ những kẽ đá rêu phong xếp chồng lên nhau là khung cảnh đặc trưng nơi làng quê này.
Không chỉ có văn hóa đá mà quần thể những ngôi nhà cổ và không gian ngõ, nhà, vườn đã gắn bó một cách hài hòa, tạo cho Lộc Yên một vẻ đẹp bình dị, hiền hòa. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho ngôi làng Lộc Yên và con người nơi đây một không gian sống rất phong thủy, để họ có cơ hội kiến tạo, giữ gìn. Con người cũng thật tài tình khi gửi hồn vào những viên đá, những nếp nhà, những khoảng vườn, hàng cau xanh mướt, tạo nên bức tranh quê yên bình cho ngôi làng Lộc Yên và vẫn giữ được nét trầm tích mang dấu ấn xưa của cư dân xứ Quảng./.