Việc xây dựng một không gian có giá trị nghệ thuật cao sẽ tạo thành hình ảnh mới, tạo địa chỉ mới thu hút khách du lịch đến với Huế, thúc đẩy Huế trở thành đô thị du lịch, một trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của Việt Nam.
Lê Lợi là một trong những con đường có lịch sử hình thành từ rất sớm ở Huế
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đang triển khai xây dựng không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế. Theo đó, một không gian văn hóa nghệ thuật sẽ được xây dựng ven bờ sông Hương dọc theo tuyến phố Lê Lợi, đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân để phục vụ cho người dân và du khách khi đến thăm Huế.
Tạo điểm nhấn cho thành phố Festival
Thừa Thiên – Huế là vùng đất lịch sử lâu đời, là nơi hội tụ giao thoa và tiếp biến nhiều nền văn hóa khác nhau từ tôn giáo, tín ngưỡng, kiến trúc, mỹ thuật, ẩm thực,..Văn hóa Huế được ghi dấu bằng những giá trị của nhiều nền văn hóa. Trải qua thời gian, đến nay văn hóa Huế vẫn tiếp tục phát triển, hội nhập với văn hóa thế giới.
Trong sự hình thành và phát triển của đô thị Huế, dọc theo bờ phía Nam sông Hương có một kho tàng kiến trúc, một khu phố thuộc địa đã hình thành cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Sông Hương trở thành dải phân cách giữa bờ Bắc - kiến trúc cổ truyền Việt Nam và bờ Nam - kiến trúc hiện đại kể từ giai đoạn Pháp thuộc.
Nằm ngay bên bờ Nam sông Hương, con đường Lê Lợi là một trong những con đường có lịch sử hình thành từ rất sớm ở Huế vào khoảng đầu thế kỷ XIX, cùng thời với việc các trại thủy sư nhà Nguyễn đóng ở đây. Từ 1943 trở về trước, người Pháp đặt tên là đường Jules Ferry, còn dân gian thì gọi là đường Thủy sư. Sau năm 1965, đường đổi tên thành Lê Lợi và tồn tại cho đến ngày nay.
Đây là tuyến đường nằm ở vị trí trung tâm trong cấu trúc đô thị Huế là trọng điểm của các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội thành phố.
Khu vực sông Hương hiện nay đang dần trở thành khu trung tâm phục vụ văn hóa, du lịch của TP. Huế, là điểm đến thu hút du khách ở trong và ngoài nước. Tuyến đường Lê Lợi cùng kiến trúc cảnh quan của nó tọa lạc bên cạnh sông Hương do đó cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của quốc gia và cộng đồng quốc tế.
Thời gian qua, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân và phục vụ du lịch, nhiều công trình phúc lợi công cộng đã được tỉnh quan Thừa Thiên – Huế quan tâm đầu tư, xây dựng. Trong đó phải kể đến việc mở rộng hệ thống các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật gắn với hệ thống vườn tượng, không gian trưng bày nghệ thuật tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị dọc tuyến đường Lê Lợi ven bờ sông Hương.
Tuy nhiên thực tế lại cho thấy rằng, các công trình văn hóa cũng như không gian công cộng tại đây dường như vẫn chưa thực sự phát huy tối đa hiệu quả của mình.
Nhằm khắc phục những điểm yếu hiện tại, tạo ra điểm nhấn bên bờ sông Hương và thu hút du khách đến với Huế. UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã quyết định xây dựng đề án “Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế”. Đây được xem là việc làm thiết thực và cần thiết để tạo ra điểm nhấn cho thành phố Festival.
Nhiều nét mới lạ
Tuyến phố Lê Lợi đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân hiện tại đang là nơi hội tụ nhiều địa điểm văn hóa như: Trung tâm dịch vụ Festival Huế, Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Trung tâm Nghệ Thuật Lê Bá Đảng, Trung tâm trưng bày sản phẩm nghề truyền thống Huế, Bảo tàng Nghệ Thuật thêu XQ, Bảo tàng văn hóa Huế, Nhà trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị,.. Tuy nhiên giải pháp khai thác cụ thể các giá trị văn hóa tại đây vẫn đang còn manh mún, riêng lẻ, chưa có yếu tố kết nối khu vực. Việc khai thác các không gian công cộng cũng chưa phát huy hiệu quả.
Trước thực trạng trên, theo Sở VHTT Thừa Thiên – Huế, khi xây dựng đề án này ngành Văn hóa xác định hướng đến mục tiêu kết nối hệ thống trung tâm nghệ thuật, nhà trưng bày, bảo tàng,… hình thành nên một không gian văn hóa để phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, khoa học cũng như phục vụ như cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, những điểm trưng bày hiện tại sẽ được chỉnh trang sắp xếp lại. Một số khu vực như đất của Công ty Hương Giang hiện đang kinh doanh nhiều dịch vụ khác nhau như nhà hàng, ẩm thực, đại lý vé máy bay,.. sẽ được chấn chỉnh lại cho phù hợp với nét văn hóa, văn minh của không gian văn hóa đặc trưng Huế; Khu nhà số 15 Lê Lợi hiện là Trung tâm văn hóa Phương Nam lâu nay cho thuê nhưng hoạt động không hiệu quả, chủ yếu là kinh doanh cà phê, giải khát cũng được UBND tỉnh chỉ đạo thu hồi để chỉnh trang, xây dựng lại thành không gian trưng bày phù hợp,...
Điểm nổi bật của đề án này là không chỉ tạo ra một không gian văn hóa mở xuyên suốt đoạn đường từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân để người dân tham quan các điểm trưng bày, triển lãm mà còn tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận sông Hương và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Để làm được điều này, toàn bộ hệ thống tường rào của các tòa nhà, nhà khách UBND TP, các cơ sở kinh doanh, các kios bán hàng sẽ được tháo bỏ. Hệ thống đèn chiếu sáng sẽ được xây dựng lại để đảm bảo kết nối hệ ánh sáng của cầu Trường Tiền và hai không gian Công viên 3/2 và Công viên Lý Tự Trọng. Toàn bộ cây xanh cũng được cắt tỉa lại cho đảm bảo phù hợp, làm tăng sự thông thoáng cho không gian,..
Không chỉ chú trọng chỉnh trang không gian văn hóa bên ngoài, theo Sở VHTT Thừa Thiên – Huế, các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật dọc tuyến phố này cũng được chú trọng hơn về nội dung trưng bày như: Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị sẽ được thiết kế lại để trưng bày 492 hiện vật ở trong nhà và ngoài trời. Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng sẽ trưng bày 394 tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng và 45 tranh tư liệu của một số họa sĩ nổi tiếng trên thế giới được vợ chồng ông sưu tập. Bảo tàng Văn hóa Huế cũng được UBND tỉnh đầu tư để mua tranh các họa sĩ nổi tiếng xuất thân từ Huế về trưng bày và để làm tư liệu cho việc thành lập bảo tàng Mỹ thuật Huế sau này.
Việc hình thành không gian văn hóa bên bờ sông Hương hứa hẹn sẽ khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế của thương hiệu Huế để tạo thành các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, lịch sử hấp dẫn và phong phú. Tạo động lực phát triển bền vững ngành kinh doanh dịch vụ, du lịch khu vực trung tâm, kết hợp khu phố Tây tạo tiền đề mở rộng cho toàn tuyến đường Lê Lợi.
Nhằm tạo đểm nhấn cho Huế về đêm, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng xem xét để các điểm trưng bày được mở cửa vào ban đêm, hoạt động song song cùng các hoạt động văn hóa cộng đồng như chương trình biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật,.. Một không gian văn hóa mở có giá trị nghệ thuật cao sẽ tạo thành hình ảnh mới, tạo địa chỉ mới thu hút khách du lịch đến với Huế hơn, thúc đẩy Huế trở thành đô thị du lịch, một trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của Việt Nam.