Nhiều quốc gia trên thế giới đã rất thành công với hình thức du lịch nông nghiệp. Tại Việt Nam, khi mô hình này mới đang manh nha khởi sắc, câu hỏi đặt ra cho các đơn vị làm du lịch là phải làm sao tận dụng được lợi thế nhưng vẫn tránh tình trạng manh mún, tự phát.
Du lịch nông nghiệp đã bắt đầu từ thập niên 30 của thế kỷ trước ở các nước châu Âu và bắt đầu lan tỏa, phát triển mạnh mẽ tại châu Á từ những năm 1980. Tại Việt Nam, du lịch nông nghiệp mới phát triển lẻ tẻ ở một số vùng như Đồng bằng sông Cửu Long, Hội An…
Tại TP.HCM, du lịch nông nghiệp là một trong những sản phẩm du lịch được đánh giá có nhiều lợi thế để phát triển. Nhiều huyện tại Hà Nội cũng có tiềm năng lớn như: Phúc Thọ, Ba Vì, Gia Lâm…
Thế nhưng hiện nay, các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp vẫn đang gặp khó trong việc phát triển sản phẩm và kết nối với doanh nghiệp lữ hành, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu.
Nhiều tiềm năng phát triển
Theo Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh-Giám đốc Trang trại đồng quê Ba Vì, "mỗi vùng miền lại có những đặc trưng riêng, điều đó tạo nên dòng chảy văn hóa quyến rũ du khách mọi miền”. Phần lớn du khách khi đến với trang trại đều hào hứng thưởng thức đặc sản đồng quê của vùng Sơn Tây, Ba Vì như gà đồi, cá sông, bê đỏ... và các loại rau từ vườn rau sạch nơi đây.
Tại đây, du khách được thử bắt cá bằng những dụng cụ làm bằng tre, trồng và hái các loại rau rừng và rau thảo dược, xem cách làm mật ong, tự hái và sao chè khô, cho đà điểu, dê, thỏ, bò sữa ăn hay đi thăm những vườn chè, những cánh đồng ngô xanh bạt ngàn nằm ven sông... Phần giao lưu hát múa, nhảy sạp với các đội văn nghệ của hai dân tộc thiểu số Mường, Dao hồn hậu, trong trẻo, giàu lòng mến khách đã khiến bao du khách bất ngờ bởi không khí ấm cúng.
Vì không bị gò bó theo một chương trình khép kín hay đơn thuần là nghỉ dưỡng như đi tour truyền thống, lại không đòi hỏi sự mạo hiểm, thách thức như du lịch “phượt” nên du lịch nông nghiệp được nhiều du khách quốc tế mong chờ.
“Dưới góc nhìn của du khách quốc tế, Việt Nam là một đất nước có truyền thống, văn hóa, lịch sử gắn với nền văn minh lúa nước. Du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long được bắt cá, hái quả; đến miền Trung được trồng rau; đang mùa lúa chín Tây Bắc, du khách được thử thu hoạch lúa, đó là những điều tạo nên sự khác biệt và thu hút với họ”, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần HanoiRedtour chia sẻ.
Theo Sở Du lịch TPHCM, nhu cầu khách du lịch mong muốn được tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20-30%; trong đó, sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao đang được chú ý, đánh giá cao. Gần đây, điểm đến thu hút du khách nhất là Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM (huyện Củ Chi) với diện tích 88 ha, tập trung các hoạt động nghiên cứu, sản xuất giống rau, hoa, cá kiểng đào tạo, chuyển giao và du lịch.
Số lượng khách tham quan đến với địa điểm này tăng đều mỗi năm, từ 7.000 lượt khách trong năm đầu tiên, đến năm 2016 đã thu hút hơn 12.000 lượt khách. Dự kiến cuối năm 2017 sẽ đạt khoảng 15.000 lượt người.
Để thoát lối mòn “tự phát”
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, song theo bà Trần Thị Kim Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm khai thác hạ tầng (Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM) đơn vị hầu như chưa chủ động đầu tư nhiều cho sản phẩm, các sản phẩm hiện tại vẫn mang tính giản đơn, chưa hoàn thiện và chuyên nghiệp.
Hiện tại, đơn vị đang tận dụng Hội trường của Ban Quản lý để tiếp đoàn tham quan. Khu vực nhà vệ sinh cho khách còn rất ít, không có nhà vệ sinh ngoài trời; chưa có khu phục vụ ăn uống, giải trí, mua sắm để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Ông Nguyễn Duy Sơn, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao cho rằng, hoạt động du lịch nông nghiệp công nghệ cao mới phát triển ở nước ta nên hầu hết đều mang tính tự phát, manh mún. Chúng ta đang tận dụng nguồn lực hiện có, thiếu nhân lực chuyên ngành du lịch. Vì vậy, dẫn đến tình trạng có cái gì phục vụ cái đó, mặc dù thị trường chưa có đối thủ cạnh tranh nhưng báo động cao về tính bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Nông Trang xanh (TPHCM) cho biết, đơn vị gặp khó khăn trong việc quảng bá, kết nối với các đơn vị làm du lịch nông nghiệp trên địa bàn, doanh nghiệp lữ hành để có những sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn hơn, đến gần với du khách hơn.
Trong một lần đến Việt Nam, ông Philip Kotler, người được coi là cha đẻ của marketing hiện đại nhận định, du lịch nông nghiệp tại Việt Nam đã có một lợi thế là ẩm thực, song bên cạnh đó còn nhiều vấn đề phải quan tâm, nhất là các công trình vệ sinh ở nông thôn.
Người nông dân cần có ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường sống của mình. Thông qua du lịch nông nghiệp, họ được dịp quảng bá sản phẩm nông nghiệp của mình và tất nhiên một phần thu nhập từ nông nghiệp của họ cũng tăng lên từ du lịch. Đồng thời, cần quan tâm khai thác những nguồn lực tài nguyên sẵn có của địa phương.
Ông Trương Minh Hậu, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch-Sở Du lịch TPHCM phân tích, để trở thành điểm đến du lịch, trước tiên đơn vị tổ chức cần xác định thông điệp muốn chuyển tải đến cho du khách là gì, du khách sẽ nhận được những giá trị nào khi đến tham quan.
Đối với du khách quốc tế nên tập trung khách trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt những nước chưa có nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển như Lào, Campuchia, Myanmar… Qua đó, vừa đáp ứng nhu cầu học hỏi kinh nghiệm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của các nước này; đồng thời, tăng cường giao thương kết nối các đơn vị nước ngoài.
Ông Minh Hậu lưu ý thêm, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng là cần thiết, song chỉ nên đáp ứng những tiện ích cơ bản nhất cho du khách, tránh việc đầu tư, dàn trải. Thêm vào đó, mỗi đơn vị cần tạo những đặc trưng riêng cho đội ngũ nhân viên. Họ là những người truyền đạt những câu chuyện hấp dẫn đến khách hàng mà không trùng lắp ở bất cứ nơi nào.
Ngoài ra, đơn vị cần có sự gắn kết với người dân tại địa phương, có sự tương tác qua lại, tránh sự phản ứng ngược của người dân. Riêng vấn đề truyền thông nên quảng bá trên các phương tiện mạng xã hội, có sự kết nối thường xuyên với khách hàng. Đây là kênh giới thiệu sản phẩm rất hiệu quả, ít tốn kém nhất mà doanh nghiệp nên tận dụng.
Về phía doanh nghiệp, các đơn vị cũng đề xuất các nhà quản lý cần xây dựng chính sách đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng cho các vùng ngoại thành để phát triển du lịch nông nghiệp; cần xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa về sản phẩm du lịch nông nghiệp gồm nội dung và hình thức hoạt động để không lúng túng trong quản lý và quảng bá sản phẩm.
Thu Hà (tổng hợp)