“Tuyến du lịch vàng” tham quan TP Hà Nội và sản phẩm "Truyền thống hiếu học” được Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist), Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt sáng 10/10 sẽ tạo điều kiện cho khách lẻ, khách đi theo nhóm được khám phá Hà Nội một cách trọn vẹn.
Kết nối các điểm đến
Thời gian gần đây, du lịch Hà Nội đang dần khẳng định vai trò của một ngành kinh tế trong bức tranh tổng thể phát triển Thủ đô. Lượng khách đến Hà Nội 9 tháng đầu năm 2017 tăng 23,5% đối với khách quốc tế và tăng 7% đối với khách nội địa so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập du lịch ước đạt 52.954 tỷ đồng. Tận dụng lợi thế của một địa danh đậm đặc các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, lễ hội…, Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist), Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã cùng hợp tác xây dựng sản phẩm “Truyền thống hiếu học” nhằm kết nối 2 điểm du lịch Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong tổng thể “Tuyến du lịch vàng” tham quan TP Hà Nội. Đồng thời, kết nối các đơn vị lưu trú và điểm du lịch, nhà hàng, khu mua sắm, cung cấp dịch vụ hướng dẫn, thuyết minh tại điểm…
Khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng
Theo Giám đốc Công ty Hanoitourist Phùng Quang Thắng: “Thói quen tiêu dùng của du khách ngày nay đã thay đổi. Dòng khách lẻ, khách đi theo nhóm tăng nhanh so với khách đi tour và chiếm khoảng 50% tổng lượng khách đi du lịch trên thế giới. Đối tượng này luôn có nhu cầu trải nghiệm thực tế tới các điểm đến. Bởi vậy, ngoài Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, “Tuyến du lịch vàng” tạo điều kiện cho du khách khám phá Hà Nội khi kết nối các khách sạn như: Thăng Long Opera Hanoi, Sofitel Legend Metropole Hanoi, Hotel De L’opera, Hilton Opera Hanoi, Hòa Bình, Melia Hanoi, Movenpick, Mercure, Eastin Easy GTC Hanoi… với 3 cụm khu vực có nhiều điểm du lịch khác nhau trên địa bàn TP. Đó là "Khu phố cổ Hà Nội" với đình Đồng Lạc, chợ Đồng Xuân, Ô Quan Chưởng, đền Bạch Mã, phố đêm Tạ Hiện… “Khu vực hồ Hoàn Kiếm” với đền Ngọc Sơn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Nhà hát lớn Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò, chùa Quán sứ và “Khu vực Ba Đình” với quảng trường Ba Đình, chùa Một cột, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam… Xe sẽ đón khách ở điểm lưu trú từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, cứ 30 - 45 phút/chuyến.
Tạo sức mạnh tổng hợp
Ông Thắng cho hay, với sự hấp dẫn của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám khi thu hút gần 3 triệu du khách mỗi năm đã gợi mở cho đơn vị quản lý các điểm tham quan xung quanh cơ hội kết nối với nhau thành chuỗi dịch vụ với những chủ đề khác nhau. 3 đơn vị đã nghiên cứu, xem xét tiềm năng, thế mạnh của các bên để xây dựng sản phẩm du lịch với chủ đề “Truyền thống hiếu học” kết nối di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Với ý nghĩa là trường đại học của Việt Nam, du khách sẽ hiểu được người Việt có truyền thống “Tôn sư trọng đạo” ra sao tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Và những nét đẹp đó còn được thể hiện trên những tác phẩm nghệ thuật trong hội họa, điêu khắc mang cả dấu ấn thời gian đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như: “Quan Văn vinh quy”, “Quan Võ vinh quy”, “Ông Nghè vinh quy”, “Đi học chữ Bác Hồ”, “Giờ học tập”, “Cầm đuốc đi học”, “Ẵm em đọc sách”, “Em nào cũng được đi học”, “Tới trường”, “Học bổ túc”…
Ngoài khám phá, hiểu biết về những nét văn hóa truyền thống của người Việt, du khách còn được trải nghiệm những giá trị mỹ thuật bằng việc gặp gỡ các nghệ nhân, họa sĩ hay trải nghiệm một công đoạn làm các đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống. Một trong những nơi đó là đơn vị quản lý đình Đồng Lạc tại 38 Hàng Đào, Hà Nội.
Những nỗ lực đó của các bên đều hướng tới mục tiêu kết nối các bảo tàng, di tích, điểm tham quan trên địa bàn TP, tạo thành sức mạnh tổng hợp để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn, nhất là dòng khách lẻ, khách đi theo nhóm. Qua đó, góp phần cho sự phát triển bền vững của du lịch Thủ đô. Hy vọng sự kết nối đó ngày càng được mở rộng, hiệu quả hơn tới các bảo tàng, di tích, làng nghề khác của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
“Tuyến du lịch vàng Hà Nội” với sự hợp tác của nhà vận chuyển Gonow có 3 tour: Tour thứ nhất xuất phát lúc 8 giờ đi thăm di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đền Đồng Lạc, khu phố cổ Hà Nội và trở về khách sạn. Tour thứ 2, xuất phát lúc 13 giờ 30 phút với lịch trình tương tự như trên. Tour 3, xuất phát lúc 8 giờ, thăm quảng trường Ba Đình, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ăn trưa, thăm Nhà hát lớn Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, đình Đồng Lạc, khu phố cổ Hà Nội, mua sắm tại khu phố cổ và trở về khách sạn. Dịch vụ bao gồm hướng dẫn viên, xe du lịch, vé tham quan và ăn theo chương trình.
|
Đây có lẽ sẽ là một trong những điểm nhấn, một sản phẩm đặc sắc nhất của du lịch Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Đồng thời, tạo ra một giai đoạn DN lữ hành có thể giúp du khách khai thác tối đa các giá trị chủ đề mỹ thuật, truyền thống, văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Ngày 6/10, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị Khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những nội dung quan trọng nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Do đó, tôi đánh giá cao nỗ lực của các bên và kỳ vọng các tour, tuyến, sản phẩm này sẽ phục vụ tốt nhất nhu cầu khám phá Hà Nội của các thượng đế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu
Trải nghiệm sản phẩm “Truyền thống hiếu học”, thay vì đi vào và đi ra tại cổng chính, chúng tôi đã hướng dẫn du khách đi ra ở cổng phố Văn Miếu; thiết lập hệ thống biển chỉ giúp khách tiếp cận dễ hơn với Bảo tàng Mỹ thuật. Từ đó, giúp du khách được tìm hiểu những giá trị đa dạng của văn hóa Việt Nam đang được lưu giữ tại hai điểm tham quan vốn rất gần nhau này. Đồng thời, kết nối thành một câu chuyện sinh động về truyền thống hiếu học của người Việt Nam, tạo nên những cảm xúc tốt đẹp cho du khách. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa vào triển khai dịch vụ thuyết minh tự động bằng 8 ngôn ngữ, sử dụng công nghệ hiện đại với nội dung phong phú, đa dạng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn miếu – Quốc Tử Giám
Lê Xuân Kiêu
|