Với tính chất sử thi khái quát nên những giá trị văn hóa Huế qua các loại hình di sản, “Văn hiến kinh kỳ” hứa hẹn là chương trình nghệ thuật hấp dẫn tạo nên điểm nhấn cho Festival Huế 2018.
Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế 1 điểm đến 5 di sản”, Festival Huế 2018 lần thứ 10 dự kiến sẽ diễn ra từ 27/4 đến 2/5/2018 tại Thừa Thiên - Huế. Đây là Festival có quy mô quốc tế, quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc mang dấu ấn của những vùng văn hoá tiêu biểu của Việt Nam và hàng chục quốc gia trên thế giới.
Trong các chương trình nghệ thuật dự kiến sẽ tổ chức tại Festival Huế 2018 sắp tới, “Văn hiến kinh kỳ”là một chương trình hấp dẫn đang được người dân và du khách hết sức trông đợi. Đây hứa hẹn sẽ chương trình đặc sắc tạo nên điểm nhấn tại Festival lần này.
Theo đó, chương trình “Văn hiến kinh kỳ” sẽ do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì tổ chức trong 2 ngày 28 và 30/4/2018 tại Đại Nội Huế. Với tính chất sử thi sẽ khái quát nên những giá trị văn hóa Huế qua các loại hình di sản.
Đây là một vỡ diễn sân khấu hóa được kết hợp giữa nhiều yếu tố như: âm nhạc, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, kỹ xảo màn hình led, hiệu ứng ánh sáng, khói màu, pháo hoa kỹ thuật cũng nhiều yếu tố cộng hưởng trong nghệ thuật sân khấu khác.
Kịch bản chương trình triển khai dựa trên cơ sở xâu chuỗi các sự kiện, làm nổi bật 5 di sản văn hóa được thế giới công nhận là Quần thể di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2010), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
"Văn hiến kinh kỳ" sẽ tập trung làm nổi bật các chủ đề như công cuộc xây dựng Kinh đô, thực thi chủ quyền đất nước, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống thanh bình với những giá trị được sáng tạo nên của một đất nước văn hiến, độc lập trong diễn trình lịch sử của dân tộc.
Với thời lượng 90 phút, kịch bản được cấu trúc thành 3 chương, mỗi chương có nhiều cảnh diễn, đan xen tương ứng với 14 hồi gắn với các chủ đề, nội dung. Trong đó chương 1 với chủ đề “Thống nhất giang sơn” là việc kể và tái hiện quá trình thống nhất giang sơn, mở mang bờ cõi của triều đình và nhân dân Việt Nam dưới thời các hoàng đế triều Nguyễn.
Chương 2 sẽ là phần tái hiện “Đất nước thái bình”, kể về đất nước với sự ổn định chính trị, kinh tế, cảnh thái bình được mở ra với muôn dân trăm họ qua các hồi: Vận mới thái bình, Điềm lành mở lối, Mùa vụ bội thu, Xuân nghênh khánh hỷ. Giang sơn củng cố, đất nước bước vào cảnh thái bình với những vận hội mới.
Chương 3 với chủ đề “Ngàn năm văn hiến” sẽ kết thúc câu chuyện với các hồi: Mở mang quốc học, Bảo vật trường tồn, Linh khí hội tụ, Ngàn năm văn hiến kể về sự mở mang nền giáo dục quốc dân, đào tạo nhân tài của triều Nguyễn. Giang sơn thống nhất, đất nước thái bình, triều Nguyễn đã không ngừng mở mang, phát triển nền quốc học, đào tạo nhân tài. Mộc bản được chế tác hàng loạt để khắc in kinh sách, trước tác, phục vụ công cuộc giáo dục.
Đất Kinh kỳ hội tụ, Thuận Hoá - Phú Xuân xưa thực sự là chiếc nôi sản sinh những khúc điệu vang ngân trong không gian và thời gian, để nuôi dưỡng một tình yêu lịch sử và thiên nhiên sâu thẳm. Tiếng ngân nga huyễn hoặc chất chứa bao xúc cảm, ru vỗ cõi nhân sinh. Theo thời gian, bao nhiêu thịnh suy, hưng phế cũng đều tan hoà quá vãng, nhưng vẫn đọng lại trong cõi đất trời một nền Văn hiến rực rỡ đến ngàn năm
Với việc dàn dựng một chương trình nghệ thuật dựa trên nền 5 di sản của Huế đã được thế giới công nhận, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hy vọng đây sẽ là chương trình nghệ thuật ấn tượng tạo điểm nhấn cho kỳ Festival Huế 2018, mang lại sự thích thú cho người dân và du khách.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, hiện tại mọi sự chuẩn bị cho chương trình này đã gần như hoàn thiện. Nhiều tháng nay, các nghệ sỹ đã tất bật tập luyện để chương trình có thể chạy tốt nhất.
“Sau khi chương trình dần ổn định chúng tôi sẽ có tổng duyệt và sau đó đưa vào phục vụ cho du khách tại Festival Huế 2018. Các anh em nghệ sĩ rất háo hức chờ đến ngày chương trình được chạy để phục vụ cho người dân. Hy vọng người dân và du khách đón nhận và có ý kiến thêm để chúng tôi bổ sung, hoàn thiện thêm cho chương trình”, ông Hải nói.
Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng thông tin thêm, sau khi phục vụ tại Festival Huế 2018 xong, “Văn hiến kinh kỳ” dự kiến sẽ được đơn vị đưa vào trong chương trình Đại nội Huế về đêm ở lần mở cửa sắp đến để phục vụ đông đảo người dân và du khách.
Nguồn: Báo Tổ quốc