Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cập nhật:18/04/2009 11:04:41
Sáng 18/4, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Sơn Tây- Hà Nội) đã khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với nhiều Bộ, ngành và các địa phương tổ chức.
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm nay có chủ đề: Diên Hồng văn hóa- hệ giá trị Việt Nam-hội tụ-kết tinh và tương lai. Gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên văn hóa nghệ thuật, vận động viên thể thao dân tộc, nhân viên trưng bày của gần 30 tỉnh, thành phố, cùng đông đảo các nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên của 20 đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia ngày hội. Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nêu rõ: Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam có nhiều hoạt động phong phú như: Liên hoan nghệ thuật dân tộc, dân ca, dân vũ, dân nhạc, lễ hội, sử thi, trang phục dân tộc, trò chơi dân gian, thể thao dân tộc, triển lãm đặc trưng văn hóa, quảng bá du lịch, ẩm thực, chiếu phim về Bác Hồ với đồng bào các dân tộc, v.v... Đây là một trong những biểu hiện sinh động của việc bảo tồn phát huy di sản văn hóa dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Những hoạt động này sẽ được lan tỏa rộng rãi để Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam trở thành Ngày hội Diên Hồng về văn hóa trong thời kỳ đổi mới hội nhập của đất nước. Tiếp đó lá cờ hội rộng 54 mét vuông tượng trưng cho sự đoàn kết của 54 dân tộc anh em đã được kéo lên. Các nghệ nhân, diễn viên các đoàn đã biểu diễn những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, mở đầu cho nhiều hoạt động phong phú của ngày hội.
 

 

Một hoạt động đáng chú ý khác trong ngày 18/4 là Hội nghị nhân sĩ, trí thức, già làng, nghệ nhân, các nhà khoa học của các dân tộc. Tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh: Nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân và các nhà khoa học đóng vai trò chủ chốt trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc để cho con cháu học theo, làm theo. Các đại biểu cũng nhấn mạnh: Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam là cơ hội quí giá để giao lưu văn hóa, biểu biết về các dân tộc, là cơ hội để gắn kết giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam; đồng thời phát huy nội lực của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc. Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam có ý nghĩa như một hội nghị Diên Hồng về văn hóa sẽ tạo nền tảng để phát huy các giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh mục tiêu tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam sao cho thiết thực với đồng bào các dân tộc. Trách nhiệm bảo tồn vốn quí di sản văn hóa và nền văn hóa dân tộc phải được sự ủng hộ to lớn, được sự bảo vệ bởi những chủ thể sáng tạo-những già làng, trưởng bản, các nghệ nhân, trí thức, những nhà khoa học, nhà quản lý, sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các cấp, các ngành, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể. Bộ trưởng mong muốn: trong thời gian tới, các nhân sĩ, trí thức cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, uy tín và trí tuệ của mình trước cộng đồng; góp sức, chung lòng cùng với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, chăm lo đời sống cho đồng bào; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ngày 19/4, Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam vẫn tiếp diễn với nhiều hoạt động sôi động. Đáng chú ý nhất là Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về "Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam" diễn ra tối mai (19/4).

Nguồn: QĐND