Lễ kỷ niệm 1050 Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018) và Lễ hội Hoa Lư 2018 với hàng chuỗi các sự kiện, hoạt động, lễ hội lớn, diễn ra trọng tâm trong tháng Tư và trải đều các tháng trong năm 2018 tại Ninh Bình đã và đang được triển khai tập trung, tích cực.
Lễ kỷ niệm và Khai hội Hoa Lư 2018 được tổ chức vào tối ngày 24/4, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam, VOV Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Ninh Bình và tiếp sóng ở một số đài địa phương trong cả nước. Hiện các công đoạn chuẩn bị cho Đại lễ đã cơ bản hoàn tất.
Có mặt tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư vào ngày 21/4, chúng tôi nhận thấy, công tác chuẩn bị các điều kiện cho Đại lễ đã cơ bản hoàn tất. Cảnh quan Khu di tích được trang hoàng bừng sáng, lộng lẫy với đỏ rực sắc màu của cờ Tổ quốc, cờ hội và các băng zôn, khẩu hiệu chào mừng…
Các tuyến đường, sân trong khu di tích, sân lễ hội, khu vực sắp diễn ra các phần lễ, phần hội được vệ sinh sạch sẽ, khang trang. Sân khấu nơi tổ chức Lễ Kỷ niệm và Khai hội cũng đã được các đơn vị thi công hoàn thành đúng tiến độ. Khán đài có quy mô 5 nghìn chỗ ngồi, được lắp đặt dàn ghế bằng kết cấu sắt thép cao tầng, vững chắc, đảm bảo tính kỹ, mỹ thuật và an toàn. Cùng với đó, hệ thống điện, âm thanh, ánh sáng tại khu vực diễn ra lễ kỷ niệm và lễ hội cũng đã được lắp đặt xong, sẵn sàng cho đêm Đại lễ 24/4.
Lễ kỷ niệm và khai mạc lễ hội được Công ty Cổ phần Truyền thông và Dịch vụ Thăng Long Media Pro là đơn vị thiết kế maket sân khấu. Trong đó phần nghệ thuật chào mừng có chủ đề: “Rực sáng Thiên anh hùng ca Đại Cồ Việt” mang tầm vĩ mô, nhiều điểm nhấn, tập trung những nét đặc trưng nhất về lịch sử Nhà nước Đại Cồ Việt cũng như đất và người Ninh Bình, trong đó nổi bật là hình tượng Rồng thời nhà Đinh, nhà Lê cùng 5 cuốn Chiếu thư về thân thế sự nghiệp vua Đinh Tiên Hoàng và 56 ngọn đuốc xếp xung quanh sân khấu tượng trưng cho số tuổi của vua Đinh Tiên Hoàng… được đơn vị thiết kế maket sân khấu tính toán, đưa những hình ảnh, nội dung phù hợp, làm nổi bật những nội dung mà chủ đề muốn thể hiện.
Cùng với sự miệt mài tập luyện của các đội tế lễ cổ truyền, tế cửu khúc của người dân xã Trường Yên, những ngày này, các em học sinh Trường THCS Trường Yên cũng tích cực tập luyện cho đại cảnh tập trận cờ lau – mổ trâu khao quân trong chương trình nghệ thuật chào mừng. Theo kịch bản chi tiết, đại cảnh tập trận cờ lau và mổ trâu khao quân sẽ là tiết mục đầu tiên trong chương trình Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt với chủ đề “Rực sáng Thiên anh hùng ca Đại Cồ Việt”. Nội dung đại cảnh này tập trung vào nội dung gợi nhớ về thời niên thiếu của Đinh Bộ Lĩnh cùng các bạn chăn trâu tập đánh trận, lấy những bông lau trắng để làm cờ và mổ trâu khao quân ăn mừng khi chiến thắng.
Được biết, năm nay là năm đầu tiên có đại cảnh này trong chương trình nghệ thuật (khác với màn múa cờ lau tập trận trong chương trình nghệ thuật khai hội những năm trước), nên trong quá trình tập luyện, các em học sinh gặp nhiều bỡ ngỡ, nhất là việc nắm bắt ý đồ theo các diễn viên, đạo diễn của Nhà hát chèo Hà Nội để thể hiện các động tác chạy, múa, vẫy cờ lau… Tuy nhiên, bằng tinh thần trách nhiệm và ý thức cao về tầm quan trọng, ý nghĩa sắc của đại cảnh, nên học sinh Trường THCS Trường Yên và đạo diễn, diễn viên Nhà hát chèo luôn cố gắng chỉ đạo và phối hợp luyện tập hiệu qủa.
Đồng thời, Trường THCS Trường Yên cũng rất ủng hộ chương trình bằng việc bố trí, sắp xếp thời gian học tập phù hợp để các em học sinh yên tâm tập luyện. Hiện từng nội dung trong đại cảnh cơ bản được hoàn thiện với chất lượng đồng đều, hài hòa, đáp ứng yêu cầu của chương trình đề ra, góp phần mang đến thành công cho chương trình nghệ thuật chào mừng tại Lễ kỷ niệm.
Đến thời điểm này, các Tiểu ban, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã tích cực vào cuộc chuẩn bị các điều kiện cho Lễ kỷ niệm và lễ hội. Trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền; các phương án đảm bảo chặt chẽ về ANTT, ATGT; việc sắp xếp chỗ ngồi, bố trí phương tiện đi lại cho các đại biểu; bố trí nơi ăn, nghỉ, đảm bảo sức khỏe, ATTP; công tác trang trí, giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, phòng chống cháy nổ...
Trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị cũng đã kịp thời báo cáo tiến độ, đề xuất những khó khăn, bất cập để Ban Tổ chức chỉ đạo tháo gỡ và phối hợp giải quyết. Cùng với đó, đối với những thay đổi, bổ sung, Ban Tổ chức cũng đã có phương án triển khai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.
Theo đại diện Ban Tổ chức Kỷ niệm tỉnh, thiết thực chào mừng Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) và Lễ hội Hoa Lư năm 2018, tỉnh Ninh Bình xác lập trên 50 hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, triển lãm chào mừng xuyên suốt trong năm 2018.
Từ đầu năm đến nay, Ninh Bình đã tổ chức gần 20 hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng. Từ nay đến hết tháng 5/2018 sẽ tổ chức hơn 20 hoạt động/nhóm hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, cuộc thi, trưng bày triển lãm trọng tâm. Trong đó, tổ chức 3 Lễ hội với quy mô lớn là: Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Đền Thái Vi, Lễ hội Tràng An. Đặc biệt, Lễ hội Hoa Lư 2018 được tổ chức trong thời gian 4 ngày (thêm 1 ngày). Nội dung phần lễ gồm 10 nghi thức; phần hội tại Lễ hội Hoa Lư gồm 22 hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian… Về lĩnh vực du lịch, có 6 sự kiện hoạt động du lịch, hội chợ, hội thi, trưng bày triển lãm; trong đó, điểm nhấn là Tuần du lịch Ninh Bình năm 2018 với chủ đề: “Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An” được tổ chức vào đầu tháng 6/2018…
Về nhiệm vụ tập trung trong thời gian tới, Ban tổ chức Kỷ niệm tỉnh yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cao điểm từ nay đến hết tháng 5/2018 về các hoạt động Kỷ niệm tới cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh theo Kế hoạch của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Các Tiểu ban Tổ chức kỷ niệm, các sở, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố rà soát lại nội dung công việc, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ phát sinh trong quá trình triển khai. Các đơn vị nghệ thuật tích cực dàn dựng, tập luyện các chương trình văn hóa, văn nghệ chào mừng; đặc biệt là chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm. Tổ chức sơ duyệt chương trình Lễ kỷ niệm vào 19h30 ngày 22/4/2018; tổng duyệt vào 19h30 ngày 23/4/2018. Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tuyên truyền và chuẩn bị các phương tiện tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài THVN, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài PTTH tỉnh.
Cùng với đó, Tiểu ban Lễ tân, hậu cần, khen thưởng rà soát lại các phương án phục vụ, danh sách khách mời, bố trí nơi ăn nghỉ của đại biểu; xây dựng phương án, bố trí lực lượng đón tiếp đại biểu; xác nhận đại biểu dự, xây dựng sơ đồ vị trí chỗ ngồi. Tiểu ban An ninh trật tự, y tế, môi trường triển khai các phương án, kiểm tra đôn đốc, đảm bảo ANTT, ATGT, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh, ATTP, chất lượng hàng hóa, giá cả thị trường… tại khu vực tổ chức các hoạt động kỷ niệm và lễ hội. Tất cả tập trung cao độ cho các chương trình hoạt động tại Lễ kỷ niệm và Lễ hội nhằm đảm bảo phong phú, thiết thực, hiệu quả, trang trọng, chu đáo, trọng thị và thành công, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Mỹ Hạnh
Nguồn: baoninhbinh.org.vn