Đến tham quan Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long, ngoài thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, du khách còn được đắm mình trong nghệ thuật hát giao duyên với những điệu hò khoan thai, mênh mang, trữ tình của ngư dân bản địa. Đây là sản phẩm du lịch độc đáo, "hút" khách, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của ngư dân trên Vịnh Hạ Long.
Biểu diễn hát giao duyên đối đáp nam, nữ trên biển ở Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn
Hát giao duyên xuất hiện và phát triển từ khá lâu đời, gắn liền với lịch sử các làng chài. Mỗi câu hát đều chứa đựng niềm vui, nỗi buồn, ước vọng, hoài bão, mang tri thức, kinh nghiệm bao đời về nghề đi biển... Hát giao duyên của ngư dân vạn chài Hạ Long gồm nhiều hình thức, làn điệu, song chủ yếu là lối hát đối đáp giữa nam và nữ, đặc sắc hơn cả là hát chèo đường, hò biển và hát cưới trên thuyền... Bên cạnh đó, hát giao duyên còn thể hiện những giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật cao.
Theo thời gian, nhịp sống hiện đại, hát giao duyên đang dần mai một. Thế hệ trẻ hiện nay chỉ còn số ít biết và có thể hát giao duyên. Việc bảo tồn, phát huy gặp nhiều khó khăn. "Hát giao duyên là nét văn hóa đặc sắc của ngư dân, được nhiều nhà khoa học đánh giá cao. Chính vì thế chúng tôi mong muốn bảo tồn và phát huy qua các sản phẩm du lịch phục vụ khách tham quan. Điều đáng mừng là du khách, đặc biệt là khách quốc tế rất yêu thích và đánh giá cao các tiết mục hát giao duyên" - ông Nguyễn Bá Căn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn 2 (Ban Quản lý Vịnh Hạ Long) chia sẻ.
Từ năm 2014-2015, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thành lập các câu lạc bộ hát giao duyên, đồng thời tiến hành sưu tầm những trích đoạn hát giao duyên xưa, đặc sắc như: Hát đố, hát giảng, hát đám cưới... Cán bộ Ban cũng đã dày công tìm kiếm những nghệ nhân nổi tiếng như ông Nguyễn Văn Hưu và những người cao tuổi ở làng chài am hiểu đến đứng lớp, dạy hát cho lớp trẻ. Kết quả đã mở được 2 lớp học, đào tạo được 20 cháu là con em làng chài nghệ thuật hát giao duyên.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đã mời các chuyên gia về văn hóa dân gian, các nghệ sĩ là trưởng các đoàn nghệ thuật lớn của tỉnh nghiên cứu, biên đạo lại nội dung, tư vấn về trang phục và hình thức trình diễn để hát giao duyên trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Sản phẩm này đã được đưa vào hoạt động thử nghiệm cuối năm 2017. Theo đó, sau khi tham quan Vịnh Hạ Long, Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục hát giao duyên truyền thống ngay tại Trung tâm. Sinh động hơn, hoạt động biểu diễn có thể được tái hiện ngay ở không gian làng chài vùng quanh Trung tâm. Hoạt động này có thể phục vụ đoàn khách lớn trên 50 người. Điều đặc biệt là các tiết mục hát giao duyên đều do cán bộ Ban vốn là con em ngư dân được tuyển dụng, biểu diễn. Mỗi lần biểu diễn gồm nhiều trích đoạn, tiết mục khác nhau. Kết thúc, du khách có thể tham gia giao lưu, học hát cùng các nghệ sĩ.
Để sản phẩm thêm đa dạng, thời gian tới, quanh không gian của Trung tâm, đơn vị dự kiến xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch trải nghiệm như: Tham gia đan lưới, đánh cá, câu mực hoặc tham quan các lớp học hát giao duyên trên biển, giao lưu cùng các nghệ sĩ hát giao duyên... Đồng thời, các tiết mục biểu diễn hát giao duyên cũng sẽ được chú trọng dàn dựng công phu hơn, tăng tính tương tác với du khách, tăng số lượng diễn viên tham gia biểu diễn... Dù mới đưa vào thử nghiệm nhưng chương trình đã rất "hút khách" và được đánh giá cao. Trung bình mỗi ngày, có khoảng 100 lượt khách tham quan và xem biểu diễn hát giao duyên.
Việc khôi phục văn hóa truyền thống của ngư dân để đưa vào phục vụ du khách đã tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt. Hát giao duyên cũng đang chứng tỏ sức hấp dẫn của mình. Tuy nhiên để tăng tính hấp dẫn, chất lượng sản phẩm cần quan tâm giải quyết các khó khăn, hạn chế, như: Nâng cao chất lượng dạy, đào tạo nghệ sĩ hát giao duyên. Bởi trên thực tế, hiện con em ngư dân biết hát giao duyên không nhiều, nguy cơ mai một cao, nhất là khi thay đổi không gian sống. Việc di dân lên bờ kéo theo khó khăn trong duy trì lớp học trên biển; huy động nghệ nhân, người cao tuổi ra biển dạy hát cho con em; trò chuyện tương tác với du khách...
Nguồn: Báo Quảng Ninh