Không chỉ có cảnh vật hữu tình, Mường Lò níu du khách còn bởi những kỉ lục độc đáo, riêng biệt.
Mường Lò, tỉnh Yên Bái là cánh đồng lòng chảo lớn thứ hai của vùng Tây Bắc. Miền đất được xem là quê hương của người Thái đen ấy, gần đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc trong hành trình của các du khách yêu thích khám khá.
Nói đến Mường Lò là nói đến 6 điệu xòe cổ, khởi nguồn cho 36 điệu xòe miền Tây Bắc. Đến với Mường Lò, được thưởng thức các màn xòe là niềm vui, sự háo hức của mỗi du khách.
20h ngày 29/9/2013, những du khách đến Mường Lò đã vô cùng ngỡ ngàng khi được chứng kiến màn đại xòe cổ xác lập Kỷ lục Việt Nam. Đây là màn đại xòe lớn nhất từ trước tới nay, trình diễn 6 điệu xòe cổ, với sự tham gia của 2013 nghệ nhân, diễn viên, diễn ra trong thời gian 45 phút.
Xếp theo đội hình cách điệu hình bông hoa ban, các nghệ nhân và diễn viên lần lượt biểu diễn các điệu xòe cổ: Khắm khen (tức Nắm tay nhau), Ðổn hôn (tức Bước tiến lùi), Phá xí (tức Bổ bốn), Nhôm khăn (tức Tung khăn), Khắm khăn mơi lảu (tức Nâng khăn mời rượu); Ỏm lọm tốp mư (tức Vỗ tay đi vòng tròn).
Năm 2008, đồng bào Thái ở thị xã Nghĩa Lộ cũng có một sản phẩm được công nhận Kỷ lục Guinness Việt Nam, đó là Mâm xôi ngũ sắc lớn nhất với trọng lượng 1,3 tấn, rộng 2,8 mét, dày 30 cm. Để có được mâm xôi này, hơn 200 hộ đồng bào người Thái đã dùng 300 chõ xôi, 200 kg thảo dược để triết xuất lấy nước màu.
Theo quan niệm của người Thái Mường Lò, mâm xôi ngũ sắc được tạo hình thành bông hoa Ban, bởi đây là loài hoa biểu tượng của vùng Tây Bắc. 5 cánh hoa với 5 màu sắc cũng tượng trưng cho Âm dương Ngũ hành.
Qua món xôi đặc biệt này, người dân nơi đây muốn thể hiện khát vọng yêu thương, tình yêu son sắt thuỷ chung và lòng kính yêu mẹ cha.
Bà Điêu Thị Siêng, ở bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Xôi ngũ sắc có 5 màu: đỏ, tím, vàng, xanh, trắng. Với món xôi ngũ sắc, người Thái mong muốn sự trọn vẹn, no đủ và đầm ấm, hạnh phúc trong cuộc sống."
Đối với người Thái ở Mường Lò, khèn bè là nhạc cụ kết nối tình yêu; là linh hồn trong dân ca, dân vũ; là biểu tượng văn hóa tinh thần đặc sắc. Tiếng khèn cũng chính là tiếng lòng, là tâm tư, tình cảm của đồng bào nơi đây.
Khèn bè được cấu tạo với 14 ống nứa, chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống. Bầu khèn làm bằng gỗ, một đầu khoét thủng để thổi, một đầu bịt kín bằng sáp ong đá. Với 5 cung và 1 quãng 8, khèn bè có thể diễn tả được hầu hết các điệu dân ca, nhạc hiện đại và làm nền cho các điệu dân vũ. Bởi vậy, khèn bè luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống nghệ thuật của người Thái và cả trong các tiết mục sân khấu.
Để tôn vinh cây khèn bè, tại Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò năm 2017, thị xã Nghĩa Lộ đã dựng Cây khèn bè lớn nhất Việt Nam, cao 2m, chiều ngang 5m để trưng bày, giới thiệu đến du khách gần xa.
Điều rất đặc biệt là chiếc khèn không phải là mô hình tượng trưng, mà là một chiếc khèn có công năng thật sự, được 5 nghệ nhân trình diễn cùng lúc; hòa âm, nâng bước nhịp xòe của hàng nghìn nghệ nhân.
Theo bà Hoàng Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ, việc xây dựng các kỷ lục độc đáo trong thời gian qua, không chỉ níu chân du khách mà còn góp phần lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
"Chúng tôi muốn đẩy mạnh quảng bá những giá trị văn hóa của địa phương, những thế mạnh và tiềm năng du lịch để thu hút quan tâm đầu tư, để thực hiện mục tiêu đưa Mường Lò thành vùng du lịch trọng điểm của tỉnh", bà Hạnh cho biết.
Năm nay, Tuần văn hóa – Du lịch Mường Lò 2018 bắt đầu diễn ra từ ngày 21/9, với nhiều hoạt động phong phú, như: Lễ khai mạc với màn đại xòe và nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, các chương trình diễu diễn đường phố, Hội chợ quê và lễ hội bánh, Chung kết cuộc thi Người đẹp Mường Lò... Một không gian lễ hội đặc sắc, độc đáo, riêng có đang chờ đợi du khách gần xa đến tìm hiểu, khám phá.