Các điểm đến ở Gia Lai thu hút khách tham quan

Cập nhật:05/10/2018 14:19:00
Đến với Gia Lai – Phố núi đầy sương và gió du khách như được trở về với thiên nhiên hoang dã, được tận hưởng không khí trong lành, thoảng mùi hương của những nhánh lan rừng, những dải hoa dã quỳ vàng rực, những dạt hoa cà phê trắng tinh, cánh rừng cao su bát ngàn xanh mướt, những dòng thác tung bột trắng xoá. Và không thể bỏ qua các điểm du lịch đang được khách du lịch yêu thích, khám phá như: Quảng trường Đại Đoàn Kết, Thắng cảnh Biển Hồ, Thác Phú Cường, Núi lửa Chư Đăng Ya, Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal – JMG, Thủy điện Ia Ly, Làng kháng chiến Stơr, nhà tù Pleiku, vườn quốc gia Kon Ka Kinh...

Quảng trường Đại Đoàn Kết

Nằm giữa trung tâm thành phố với khuôn viên rộng 12 ha, đây được xem là trái tim của người dân phố núi Pleiku nói riêng và niềm tự hào của người dân tỉnh Gia Lai nói chung. Công trình được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đạt 3 kỷ lục Việt Nam đó là tượng đài Bác Hồ lớn nhất Việt Nam, bức phù điêu bằng đá lớn nhất Việt Nam và dàn Cồng Chiêng bằng đồng lớn nhất Việt Nam. Là điểm tham quan lý tưởng cho du khách khi đến với phố núi Pleiku.


Thắng cảnh Biển Hồ

Thuộc xã Biển Hồ, nằm ở phía Bắc tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố 7km. Biển Hồ nguyên là một miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây hàng triệu năm, hồ có hình bầu dục với diện tích mặt nước khoảng 240 ha. Con đường nhựa dẫn vào Biển Hồ được điểm tô bởi những hàng thông xanh nhấp nhô, các dải hoa dã quỳ vàng rực rỡ hấp dẫn du khách tham quan. Biển Hồ gồm 2 hồ nước lớn thông nhau, phía Nam là hồ Tơ Nưng còn được dân Pleiku gọi là Biển Hồ nước, phía Bắc là khu vực đồn điền trà và chùa Bửu Minh được gọi là Biển Hồ trà với sắc xanh đầy sức sống làm mê hoặc bao trái tim của người dân thành phố. Một điểm đến lý tưởng để tìm về với những yên ả, hãy thử một lần đến và cảm nhận!


Thác Phú Cường

Nằm cách thành phố Pleiku khoảng 45km về phía đông nam, thác Phú Cường nằm trong khu vực mỏ đá Phú Cường, thuộc xã Dun, huyện Chư Sê. Thác có độ cao chừng 45m, với không gian thoáng đãng, không khí trong lành, một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi có dịp về thăm phố núi.
Thác Phú Cường chảy trên nền nham thạch của một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động. Thêm một điều tuyệt vời khác là nơi đây luôn có sự xuất hiện của cầu vồng. Khi nắng lên chiếu ngang qua những làn hơi nước sẽ tạo nên những cầu vồng bắt mắt khiến du khách không khỏi trầm trồ. Thế nên, nếu có dịp đến khám phá thác, bạn nhớ đem theo máy ảnh để lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời này.


Núi lửa Chư Đang Ya

Trên con đường vào danh thắng Biển Hồ (hay còn gọi là hồ T’Nưng), mất khoảng 20 km nữa, bạn sẽ ngỡ ngàng trước cảnh đẹp ít được biết đến là ngọn núi lửa Chư Đang Ya hùng vĩ (thuộc xã Chư Đang Ya, huyện Chư Pah).

Ngọn núi Chư Đang Ya tựa như một chiếc bát úp, nhưng leo tới đỉnh miệng núi lại mở ra một thung lũng lòng chảo rộng lớn với những thửa ruộng trồng bí đỏ, dong riềng, bắp, khoai… Điều kỳ lạ là miệng núi không hề có nước, mà cũng chẳng ai đủ sức chở nước lên đây tưới được, vậy mà quanh năm cây cối lúc nào cũng xanh tốt. Vào mùa mưa, Chư Đang Ya được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của những ruộng khoai lang, khoai môn hay cây dong riềng. Đến mùa khô, hàng vạn đóa dã quỳ bung nở trên sườn núi làm mê mẩn lòng người yêu cái đẹp của loài hoa đặc trưng Tây Nguyên này.


Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Tọa lạc tại 21 Trần Hưng Đạo, thành phố Pleiku, Bảo tàng tỉnh lưu giữ gần 7.000 đầu hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật có giá trị cao về văn hoá truyền thống như: bộ sưu tập cồng chiêng, trống lớn của đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar, ché cổ quý hiếm và nhiều hiện vật có giá trị thể hiện một cách chân thực nhất các đặc trưng văn hoá của cộng đồng hai dân tộc Bahnar và Jarai của tỉnh nhà. Điểm tham quan văn hóa lịch  sử  tiêu biểu trong chương trình city tour của du khách.




Lễ cúng nhà rồng (Ảnh minh họa)


Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal - JMG

Thuộc xã Chư Hdrông, thành phố Pleiku, Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai nằm trong khuôn viên rộng 15ha, được xây dựng vào tháng 3 năm 2007 với nhiều công trình như sân bóng, hồ bơi, sân tennis, phòng họp, phòng thể lực, phòng ăn, phòng giải trí... Một khuôn viên đẹp, thơ mộng, yên tĩnh và thu hút du khách.
Trong khu nhà lưu niệm của học viện, những bộ quần áo của đội  tuyển được thay đổi theo từng năm trưng bày rất đẹp mắt, cạnh đó là nhiều Bằng khen, huy chương, cờ lưu niệm đoạt giải, những bức ảnh của các nguyên thủ quốc gia và quốc tế đến tham quan học viện đều được ghi lại, chụp ảnh và gìn giữ cẩn thận. Tầng dưới của khu nhà là quán cafe nhỏ cùng với gian hàng lưu niệm như móc khóa, ba lô, mũ, áo... Tất cả đều được in logo của học viện, du khách có thể mua về làm quà cho người thân, bạn bè khi có dịp đến với nơi đây.


Thủy điện Ia Ly

Được xây dựng trên dòng Sê San, cách thành phố 30km thuộc địa phận xã Ialy huyện Chư Păh. Đây là nhà máy có quy mô lớn nhất miền Trung Tây Nguyên và được thiết kế, xây dựng với kiến trúc đẹp và nhiều hạng mục như đập tràn xã lũ, đài tưởng niệm, cửa nhận nước, nhà máy ngầm nằm dưới mặt đất gần 300m. Thủy điện Ialy với công suất lắp đặt 720Mw và sản lượng điện trung bình năm 3,7 tỷ Kwh.
Đến đây, du khách có dịp thăm nhà máy thủy điện, đi thuyền ngược dòng sông Sê San ngắm cảnh núi và thưởng ngoạn không khí rừng núi Tây Nguyên.


Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Cách thành phố 50km về phía Đông Bắc, thuộc các huyện Đăk Đoa, Mang Yang, K’Bang. Đỉnh Kon Ka Kinh có độ cao 1.748 mét (so với mặt nước biển), là đỉnh núi cao nhất của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và được mệnh danh là “Nóc nhà của tỉnh Gia Lai”. Chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh luôn là niềm mơ ước của những người yêu thiên nhiên, ưa thích chinh phục, khám phá. Thời gian lý tưởng để tổ chức tour du lịch này là từ tháng 1 đến tháng 6 hàng năm trùng với mùa khô của Tây Nguyên. Hiện nay, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã khảo sát được một số tuyến du lịch và bước đầu triển khai đưa vào hoạt động phát triển du lịch như: du lịch sinh thái đường mòn thiên nhiên; tham quan, quan sát, nghiên cứu động vật hoang dã; nghỉ dưỡng…
Ngoài ra du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cây cổ thụ vài trăm năm tuổi, nếu may mắn có thể quan sát được các loài động vật hoang dã như: voọc chà và chân xám, chồn, heo rừng, nhím, khỉ, sóc bay… Đây là điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách thích khám phá, trải nghiệm.


Làng kháng chiến Stơr

Khu di tích lịch sử văn hóa làng kháng chiến Stơr, quê hương Anh hùng Núp nằm trên địa bàn xã Tơ Tung, huyện K’Bang là một trong ba xã được tách ra từ xã Nam và thị xã An Khê. Khi đến với khu di tích, du khách còn được người dân làng Stơr đón chào rất niềm nở với những nụ cười thân thiện, nếu có điều kiện còn có thể được thưởng thức các lễ hội truyền thống của người Bahnar, cảm nhận điệu múa xoang, tiếng Cồng của dân làng và những món ăn dân dã đặc thù của làng...
Sắp tới tỉnh Gia Lai tổ chức các sự kiện như Festival văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, Lễ hội Hoa dã quỳ với nhiều hoạt động phong phú như: biểu diễn hát dân ca, diễn xướng sử thi, phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào Bahnar, Jrai, ẩm thực 3 miền, giới thiệu đặc sản địa phương và Hội thi chinh phục đỉnh núi Chư Đang Ya, biểu diễn dù lượn trên đỉnh núi Chư Đang Ya. Đây là dịp để Gia Lai quảng bá hình ảnh đến bạn bè trong nước và quốc tế, liên kết cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội để tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng miền. Một số hình ảnh các điểm du lịch Gia Lai.


Bùi Hương Thảo

Nguồn: Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Du lịch tỉnh Gia Lai