Chú trọng đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch vùng sâm và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của các tộc người Xê Đăng, Ca Dong, tạo điểm nhấn cho bức tranh du lịch Nam Trà My là hướng đi mà chính quyền địa phương đã và đang thực hiện.
Đồng bào dân tộc thiểu số mang sản phẩm tham dự phiên chợ Sâm Nam Trà My. Ảnh: H.L
Đầu tư hạ tầng
Huyện Nam Trà My có nhiều lợi thế phát triển du lịch khi sở hữu vùng sâm Ngọc Linh mang thương hiệu quốc gia. Ngoài vùng sâm của Trại dược liệu Trà Linh, vùng sâm giống Tắk Ngo do UBND huyện quản lý có quy mô 100ha rừng tự nhiên, được chia làm 3 khu vực: khu trồng sâm phát triển du lịch (10ha), khu phục vụ công tác nghiên cứu (10ha) và khu gieo ươm sâm giống cấp cho người dân (80ha). Nam Trà My có thế mạnh về phát triển du lịch bởi sở hữu thiên nhiên hoang sơ với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, rừng quế hàng trăm năm tuổi và khí hậu mát mẻ quanh năm. Sức hút của du lịch Nam Trà My còn ở câu chuyện bản sắc văn hóa vùng miền, văn hóa của tộc người Xê Đăng, Ca Dong, đi cùng với đó là văn hóa cồng chiêng, các lễ hội truyền thống của người vùng cao như lễ hội mừng lúa mới, lễ hội tạ ơn rừng...
Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, nhận thức được giá trị, tiềm năng du lịch, huyện đã quy hoạch khu du lịch vùng sâm ở 7 xã: Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Vân, Trà Vinh, Trà Don và Trà Mai của huyện. Khu du lịch vùng sâm nằm trên vùng núi Ngọc Linh có tổng diện tích tự nhiên hơn 50ha nằm ở ngã ba giữa Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum. Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, huyện đã đầu tư hạ tầng vùng sâm như: mở đường lên vùng sâm Trà Linh và Tắk Ngo; xây dựng nhà trưng bày, triển lãm sâm Ngọc Linh, xây dựng một số quầy đón tiếp khách ở trại sâm... Song nhìn chung, cơ sở vật chất, hạ tầng vùng sâm vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của du khách xa gần. Đến nay, cả huyện chỉ có 2 nhà hàng tại xã Trà Mai và trên đường 40B khu vực trung tâm huyện, mỗi nhà hàng có sức chứa 800 khách/lần; có 3 cơ sở lưu trú vùng trung tâm huyện với sức chứa 80 phòng. Tuyến đường huyện dẫn tới vùng sâm dài 2,5km vẫn chưa được bê tông hóa, thiếu vệt hoa. Cầu treo dẫn vào vùng sâm vẫn còn tạm bợ, đường nội bộ ở vùng sâm vẫn còn là đường đất, hay những điểm đón tiếp khách còn tạm bợ, công trình nhà vệ sinh chưa đảm bảo... là những khó khăn, trở ngại lớn trong phát triển du lịch vùng sâm.
Tạo bản sắc cho du lịch
Phát triển du lịch vùng sâm gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tộc người vùng cao là chủ trương được huyện Nam Trà My hướng tới. Theo ông Hồ Quang Bửu, cùng với việc xây dựng Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020, định hướng tới năm 2030, huyện còn chú trọng xây dựng các đề án về bảo tồn và phát triển làng nghề tại vùng sâm ở hai làng đồng bào dân tộc thiểu số có đông đảo người Xê Đăng và Ca Dong sinh sống. Huyện cũng đã xây dựng và ban hành đề án bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Nam Trà My gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020; kiến nghị đầu tư xây dựng làng văn hóa của tộc người Ca Dong, Xê Đăng tại trung tâm huyện và nghiên cứu, phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào, tạo bản sắc văn hóa vùng miền...
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTTDL cho rằng, về chủ trương xây dựng, tôn tạo Khu di tích lịch sử Nước Là, sở đã đề nghị Bộ VHTTDL bố trí kinh phí từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia, song nguồn lực còn hạn chế, giai đoạn 2018 - 2019 chỉ khoảng 2 tỷ đồng. Còn về các hạng mục tại nhà trưng bày trung tâm sâm Ngọc Linh tại Trại sâm giống Tắk Ngo phục vụ đón tiếp du khách tham quan, mua sắm tại vùng sâm, cần có sự hỗ trợ từ tỉnh. Cũng theo ông Hồng, mỗi thôn nằm trong vùng phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ 1 bộ cồng chiêng. Từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia, sẽ hỗ trợ mỗi xã xây dựng nhà làng truyền thống và hỗ trợ xây dựng nhà truyền thống các dân tộc ở trung tâm huyện.
Làm việc với huyện Nam Trà My (ngày 3/10), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, để phát triển du lịch vùng sâm, huyện cần chủ động đón đầu cơ hội các dự án đầu tư, lồng ghép các nguồn lực để kiện toàn hạ tầng, phát triển du lịch vùng sâm kết hợp với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người. Cần quảng bá, kết nối các tour tuyến du lịch giữa các huyện Nam Trà My - Bắc Trà My - Tiên Phước và một số vùng trọng điểm của tỉnh. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sâm như đường sá, điểm dừng nghỉ, bãi đậu xe cũng như các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách… Cùng với đó, huyện phối hợp với các sở ngành liên quan tiếp tục triển khai du lịch thực tế ảo, tiếp cận giải pháp du lịch thông minh. UBND tỉnh sẽ tập trung ưu tiên đầu tư, bố trí nguồn lực cho huyện từ các nguồn ODA, lồng ghép các nguồn lực kiện toàn giao thông, cơ sở hạ tầng. Song quan trọng là cần gắn du lịch sâm với bảo tồn phát triển các giá trị văn hóa của người đồng bào thiểu số, các lễ hội như lễ tạ ơn rừng từ câu chuyện thần thoại ở Nam Trà My để tạo sản phẩm du lịch núi rừng, tạo điểm nhấn của du lịch.