Nằm tựa lưng vào núi Phà Hùng, phía trước là cánh đồng lúa trù phú, bản Phja Thắp (xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) bình yên và đẹp đến nao lòng.
Đến Phja Thắp những ngày tháng 10, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng “bức họa thiên nhiên” tuyệt sắc. Buổi sớm, khi mặt trời chưa ló rạng, từng đám mây trắng tinh khôi lững lờ trên đỉnh núi khiến khung cảnh nơi đây trở nên huyền ảo, vừa hư vừa thực. Rồi mây sà xuống chờn vờn bên những mái nhà sàn mộc mạc của bà con dân tộc Nùng. Những ruộng lúa chín vàng trong bồng bềnh mây trắng, giữa núi non hùng vỹ đẹp mê mẩn lòng người.
Bản Phja Thắp chỉ có 50 nóc nhà, ngoài làm nông nghiệp, người dân nơi đây còn có nghề làm hương trầm truyền thống nổi tiếng.
Chúng tôi đến thăm homestay duy nhất của bản Phja Thắp – homestay Mr Kim – của gia đình ông Hoàng Ngọc Kim. Năm 2017, gia đình ông được tạo điều kiện vay 80 triệu đồng từ dự án phát triển du lịch cộng đồng, cùng với tiền tiết kiệm của gia đình và vay mượn thêm của bà con dân bản, một ngôi nhà sàn khang trang đã hình thành, đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách.
Ông Kim cho hay, ngoài sàn lớn với 25 đệm, homestay Mr Kim còn có 2 phòng riêng (1 phòng đôi, 1 phòng 3) có thể phục vụ khách cần không gian riêng tư.
Điều làm chúng tôi bất ngờ là ông Kim hoàn toàn không biết tiếng Anh, chỉ với cuốn sổ và cây bút cùng với “Google thần thánh”, ông giao dịch thành công với du khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
“Mỗi khách lưu trú, gia đình tôi trích một số tiền nhỏ hỗ trợ cộng đồng để làm vệ sinh thôn xóm và những công việc chung của bản. Đây không chỉ là trách nhiệm của người làm kinh doanh lưu trú mà còn đóng góp một phần vào cộng đồng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững”, ông Kim chia sẻ.
Nguyên liệu chủ yếu để làm hương là cây mai, vỏ cây gạo, mùn cưa và đặc biệt là lá cây bầu hắt, một loại lá cây trên rừng dùng để làm chất keo kết dính các nguyên liệu lại với nhau.