Bát Xát có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch và huyện đang quyết tâm đưa ngành “công nghiệp không khói” của địa phương ngày càng phát triển.
Tổ chức môn dù lượn trong năm 2018 góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Bát Xát đến với đông đảo du khách
Giữa tháng 8/2018, huyện Bát Xát đã tổ chức thành công chương trình trình diễn dù lượn trong không gian thơ mộng của núi rừng ở các xã vùng cao. Mặc dù chỉ biết được hoạt động này qua báo chí và một số trang mạng xã hội nhưng anh Nguyễn Quốc Tuấn, đang làm việc cho một công ty của Hàn Quốc có trụ sở tại Hà Nội rất thích thú và tỏ vẻ tiếc nuối: “Tôi đã có lần được lên Bát Xát, nơi đây phong cảnh núi rừng rất đẹp. Chắc chắn khi được bay lượn cùng những cánh dù trên bầu trời, phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh núi rừng, bản làng vùng cao sẽ thấy đẹp hơn rất nhiều. Đáng tiếc là tôi chưa có dịp được trải nghiệm cảm giác thú vị này. Hy vọng lần tổ chức tiếp theo, tôi sẽ được thực hiện ước mơ bay trên vùng cao Bát Xát”.
Hoạt động trình diễn dù lượn được tổ chức ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát vừa qua có 2 hình thức bay, gồm bay đơn và bay đôi. 50 du khách tham gia chương trình đã được Ban tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn bay đôi an toàn. Song song với trình diễn dù lượn, du khách được trải nghiệm, khám phá các công đoạn tạo ra một sản phẩm bạc thủ công trong làng nghề chạm khắc bạc truyền thống của đồng bào dân tộc Dao thôn Séo Pờ Hồ, xã Mường Hum. Sự kết hợp khéo léo hai hoạt động này đã tạo dấu ấn cho du lịch Bát Xát, thu hút đông vận động viên và du khách. Anh Nguyễn Đắc Phương, thành viên Câu lạc bộ dù lượn Hà Nội cho biết: Tôi đã tham gia bay dù lượn ở nhiều nơi trong cả nước, tuy nhiên trải nghiệm bay trên bầu trời Bát Xát rất đặc biệt. Khung cảnh núi rừng nơi đây thật hùng vỹ, tươi đẹp, tạo cho tôi cảm giác phấn khích.
Dù lượn chỉ là một trong rất nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch mà huyện Bát Xát tổ chức trong năm 2018. Trong số này phải kể đến những sự kiện như chinh phục đỉnh Lảo Thẩn, Ky Quan San; tham quan rừng già và bản Lao Chải 1, 2, 3 ở xã Y Tý; tham quan ruộng bậc thang A Lù, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo; tham quan cột cờ Lũng Pô, chinh phục con đường đá cổ Pavi… “Chinh phục đường đá cổ Pavi quả là một trải nghiệm thú vị. Đường đá cổ được người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 19, rêu phong phủ đầy nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong những ngày mưa. Tuy nhiên, khi trải nghiệm tuyến đường này, chúng ta được hít thở bầu không khí trong lành, tận mắt khám phá hệ động, thực vật phong phú, trong đó có những cánh rừng già với nhiều loài cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi…” - chị Hoàng Bích Hằng, du khách đến từ thành phố Hưng Yên tâm sự.
Để du lịch Bát Xát phát triển toàn diện và bền vững thì việc duy trì và phát huy giá trị những nét độc đáo trong kho tàng văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số như Giáy, Dao, Mông, Hà Nhì... cũng được các cấp, ngành quan tâm. Địa phương duy trì các hoạt động văn hóa truyền thống như Lễ hội Xuống đồng, Lễ hội Pút tồng, Lễ hội Khô già già, Lễ cúng rừng của dân tộc Hà Nhì, dân tộc Dao... được tổ chức quy mô, bài bản, thu hút đông du khách.
Huyện Bát Xát đang thực hiện Đề án 04 về “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2016 - 2020”. Từ khi triển khai Đề án 04 đến nay, Bát Xát đón khoảng 69.000 lượt khách du lịch, đạt 69% mục tiêu đề án (năm 2016 đạt 16.000 lượt; năm 2017 đạt 23.000 lượt khách; năm 2018 đạt 30.000 lượt khách). Doanh thu từ du lịch của Bát Xát trong năm 2018 ước đạt 14 tỷ đồng...
Ông Hoàng Công Kiều, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát cho biết: Trong những năm qua, huyện Bát Xát đã tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Bát Xát đến với du khách bằng nhiều hình thức, trong đó có việc thực hiện 10 tập phim về du lịch Bát Xát với chủ đề “Sức hút đại ngàn”; phát hành Bản tin Du lịch Lào Cai chuyên đề Bát Xát - Sức hút đại ngàn; in ấn và phát hành hơn 3.000 tập catolog về du lịch Bát Xát đến du khách trong và ngoài nước qua các sự kiện; tổ chức thành công lớp bồi dưỡng du lịch cộng đồng tại xã Y Tý và thực tế học tập kinh nghiệm tại Sa Pa… Mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng du lịch Bát Xát vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nguyên nhân là do chất lượng hệ thống giao thông trên địa bàn huyện chưa đảm bảo; các cơ sở lưu trú chủ yếu tự phát, trang thiết bị không được đầu tư đồng bộ, hiện đại; nhu cầu vốn cho công tác phát triển du lịch ở địa phương còn hạn chế...
Có thể thấy, tiềm năng, lợi thế về du lịch của huyện Bát Xát đang được khẳng định. Hy vọng trong thời gian tới, Bát Xát tiếp tục được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm, đặc biệt là kêu gọi những tổ chức, cá nhân đủ tâm, đủ tầm đến đầu tư để đưa ngành “công nghiệp không khói” Bát Xát cất cánh, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.