Phó Thủ tướng cho rằng, với nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng, tiềm năng du lịch Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung còn rất lớn, và rất cần được quan tâm chỉ đạo, thu hút đầu tư để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh trong vùng và cả nước, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc Lễ hội Hoa Ban năm 2019 (Ảnh: Báo Chính phủ)
Tối 16/3, Lễ hội Hoa Ban năm 2019 đã chính thức khai mạc tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, mở đầu cho chuỗi các hoạt động của tỉnh chào mừng 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 110 năm thành lập tỉnh Điện Biên.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã có nhiều đóng góp to lớn trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước, tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước bạn láng giềng.
Sau 65 năm giải phóng, từ một tỉnh miền núi, biên giới còn rất nhiều khó khăn, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã nỗ lực đoàn kết, phấn đấu, từng bước vươn lên, đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng lên.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và những kết quả to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đạt được trong những năm qua.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định "Lễ hội Hoa Ban", một sản phẩm du lịch đặc sắc của Điện Biên, của vùng rừng núi Tây Bắc đã và đang góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa dân tộc. Hình tượng hoa ban nói riêng, vẻ đẹp của mảnh đất, con người Điện Biên, con người Tây Bắc nói chung đã và đang được giới thiệu đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng cho rằng với nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng, tiềm năng du lịch Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung còn rất lớn, và rất cần được quan tâm chỉ đạo, thu hút đầu tư để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh trong vùng và cả nước, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.
Bên cạnh những chương trình, dự án đầu tư lớn để phát triển nâng cấp hạ tầng giao thông, trước hết là đường không, đường bộ, cần tập trung xúc tiến, thu hút đầu tư một số điểm du lịch có quy mô, tầm cỡ quốc gia, tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử của vùng đất này.
Đặc biệt, cần phát triển mạnh du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đặc sắc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy kết nối hình thành các tuyến du lịch gắn với các địa danh du lịch, các địa phương có di sản văn hóa, di sản lịch sử trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yếu tố con người trong phát triển du lịch. Không chỉ cần đội ngũ cán bộ, người lao động trong ngành du lịch mà còn cần sự chung tay của nhiều ngành có liên quan, của các cấp ủy, chính quyền và của mọi người dân. Không chỉ là chuyên môn, nghiệp vụ, mà mỗi việc làm tốt, mỗi thái độ ứng xử văn hóa đều là một đóng góp cho ngành du lịch, cho phát triển kinh tế, cho xây dựng, phát triển nền văn hóa, phát triển con người Việt Nam xứng đáng với truyền thống anh hùng, văn hiến của dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thế giới hiện đại.