Đến Lào Cai, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội lạc vào những vườn mận tím tuyệt đẹp ở Bắc Hà, vườn đào phớt má hồng sai trĩu quả, vườn dâu tây đỏ mọng ở Sa Pa, hay tha thẩn ở đồi quýt vàng óng ở Mường Khương.
Nông dân xã Tả Chải (Bắc Hà, Lào Cai) chăm sóc vườn dâu tây Hàn Quốc trong nhà kính. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Những năm qua, Lào Cai xác định tập trung phát triển nông nghiệp gắn với du lịch để vừa giảm tải ở khu vực trung tâm, đô thị, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, kết hợp bảo vệ bản sắc văn hóa địa phương.
Với hướng đi đúng, hiện nay sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp công nghệ cao tại Lào Cai đang tạo nên những miệt vườn vùng cao độc đáo “hớp hồn” du khách gần xa.
Mảnh đất Lào Cai được thiên nhiên ưu ái ban tặng từ khí hậu ôn hòa đến cảnh quan thiên nhiên đặc sắc. Chính nhờ "sở hữu" nhiệt độ của vùng núi mà tại một số huyện vùng cao ở Lào Cai có thể trồng được những loại quả chỉ phổ biến ở xứ ôn đới.
Đến Lào Cai, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội lạc vào những vườn mận tím tuyệt đẹp (Bắc Hà), vườn su su, đào phớt má hồng sai trĩu quả, vườn dâu tây đỏ mọng (Sa Pa) hay tha thẩn ở đồi quýt vàng óng (Mường Khương), đồi lê ngọt ngào mọng nước (Bát Xát)…
Sau một thời gian gây dựng, mô hình du lịch sinh thái của Hợp tác xã Thắng Lợi do anh Trần Tuấn Nghĩa, ở thôn Má Tra, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, làm chủ nhiệm đã thu hút nhiều du khách tới tham quan.
Hợp tác xã cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 7km theo hướng đi Tả Phìn. Nơi đây là thung lũng được bao quanh bởi núi đồi.
Mở cửa đón khách từ hai năm nay, Hợp tác xã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách khi ghé thăm Sa Pa với các sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Đến đây, đa phần du khách không giấu nổi cảm giác hào hứng, thích thú khi tận mắt quan sát những vườn cà chua, dâu tây xanh tốt nối dài trong các khu nhà kính hiện đại.
Anh Nghĩa cho biết một lần đi tham quan mô hình dâu tây ở Nhật Bản, anh thấy nhà vườn ở đó xây dựng thành mô hình du lịch sinh thái để thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm.
Nhận thấy khí hậu của Sa Pa rất phù hợp phát triển loại cây này, khi trở về, anh bắt tay vào cải tạo vườn và trồng dâu tây. Giống dâu tây được lựa chọn từ Hàn Quốc, Nhật Bản… đảm bảo chất lượng.
Với diện tích 7.000m2, vườn dâu tây được canh tác theo công nghệ mới, phương pháp trồng giá thể trên giàn cao khoảng 1m so với mặt đất. Chủ vườn cũng áp dụng hệ thống tưới nước tự động và nói không với các loại hóa chất nên sản phẩm an toàn cho sức khỏe, có thể thưởng thức quả tại chỗ.
Ngày thường, vườn dâu tây mở cửa miễn phí, du khách tự do vào hái, ăn thử và mua về sử dụng hoặc làm quà, giá tùy vào loại to hay nhỏ, dao động từ 100.000 đến 250.000 đồng/kg. Hằng ngày, khu vườn dâu của Hợp tác xã đón từ 500-700 lượt khách trong và ngoài nước, vào những ngày cuối tuần hay dịp nghỉ lễ, con số này tăng cao gấp đôi.
Cùng gia đình đi du lịch Sa Pa, chị Trần Thúy Ngọc (Vũng Tàu) được bạn bè giới thiệu đến tham quan vườn dâu tây này. Chị Ngọc cho biết, gia đình chị lên Sa Pa nghỉ ngơi, nhân dịp này có cơ hội tham gia thu hoạch quả dâu tây cùng chủ vườn. Không khí ở đây rất trong lành, không gian xanh mát, hoa trái tự nhiên, tạo cảm giác dễ chịu.
Không chỉ dâu tây, Sa Pa đang vào mùa đào chín rộ. Dọc đường đi, nhiều biển hiệu được chủ các vườn đào treo lên để mời du khách. Các vườn đào cũng đang thu hút đông du khách tới tham quan, thưởng thức và mua về làm quà.
Tương tự, nương trồng quýt có tổng diện tích gần 30.000m2 của vợ chồng anh Sền Pờ Diu, chị Pờ Thị Sen, mặc dù nằm trên núi cao tại thôn Trung Chải B, cách thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương gần 7km, nhưng hằng năm vẫn thu hút hàng trăm lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Chị Pờ Thị Sen cho biết, mùa vụ năm 2018, với 2.000 gốc quýt cho thu hoạch, giá bán bình quân 16.000 đến 18.000 đồng/kg, trừ toàn bộ chi phí đầu tư, gia đình cũng lãi khoảng 200 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, nông nghiệp-du lịch sẽ giúp người dân khai thác, tận dụng tối đa các giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao mang lại như thu lợi từ việc cho khách du lịch ngắm, tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp, bán sản phẩm với giá cao.
Tuy vậy, để mô hình này phát triển, thành công hơn nữa cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và chính quyền các cấp cơ sở cùng sự tham gia trực tiếp từ phía người dân địa phương. Các ngành cần đào tạo cho người dân tham gia làm du lịch bằng việc nâng cao kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ du lịch...
Việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp là bước đi đúng cần được nhân rộng trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại Lào Cai; qua đó từng bước nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn, khu vực miền núi, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc, ông Nhẫn nhấn mạnh./.