Nếu được đưa vào khai thác, tour du lịch giếng cổ Gio An và vườn sâm Bố Chính hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.
Sáng 21/5, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cùng lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở NNPTNT đã có chuyến đi kiểm tra hệ thống giếng cổ Gio An và mô hình trồng sâm Bố Chính được thử nghiệm tại xã Gio An, huyện Gio Linh. Chuyến kiểm tra được xem là những động thái bước đầu để khởi động cho tour du lịch thăm giếng cổ Gio An và vườn sâm Bố Chính.
Xã Gio An ở miền Tây huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là vùng đất đỏ Bazan với thiên nhiên khắc nghiệt, nắng lửa gió Lào. Thế nhưng nơi đây cũng nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên độc đáo cùng hệ thống giếng cổ hiếm có, là lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng.
Hệ thống giếng cổ Gio An.
Hệ thống giếng cổ ở Gio An hiện nay gồm 14 giếng với tên gọi dân dã địa phương như: giếng Côi, giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào ở thôn An Nha. Giếng Gái 1, Gái 2, giếng Nậy thôn An Hướng. Giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai thôn Hảo Sơn. Giếng Máng thôn Long Sơn và giếng Pheo thôn Tân Văn.
Theo nhiều nhà khoa học, hệ thống giếng cổ Gio An ra đời vào cuối thời đại đồ đá mới cách đây khoảng 5000 năm. Chủ nhân của nó từ xa xưa là người Chăm Pa với trình độ văn minh khá cao, sau này được người Việt thừa hưởng lại.
Nét độc đáo của giếng cổ Gio An bởi có cấu trúc gồm nhiều thành phần. Nguyên liệu để xây dựng chủ yếu là đá mồ côi được sắp xếp một cách công phu. Đây là kỹ thuật khai thác nước với dạng cấu trúc độc đáo, thể hiện trình độ xếp đá điêu luyện của người xưa trong quá trình ngăn dòng, lập bể, khai mương để tận dụng những mạch nước ngầm tự nhiên từ triền đồi ở những độ cao khác nhau nhằm phục vụ cuộc sống.
Tuy có nhiều loại khác nhau nhưng các giếng cổ Gio An hầu như có một đặc điểm chung là nước chảy quanh năm, nguồn nước chưa bao giờ cạn. Năm 2001, hệ thống giếng cổ Gio An đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Tuy nhiên do tác động của thời gian, thiên nhiên và con người mà nhiều giếng cổ ở đây đã dần xuống cấp hư hại. Để bảo tồn, thời gian qua các cơ quan chức năng và huyện Gio Linh đăng từng bước khôi phục.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính thăm mô hình trồng sâm Bố Chính.
Ngoài giếng cổ, Gio An hiện tại cũng đang triển khai mô hình trồng thực nghiệm sâm Bố Chính trên diện tích 3ha ở thôn An Nha với số vốn 1,6 tỷ đồng, bước đầu đã cho những kết quả khá khả quan. Đây là một trong những cây dược liệu quý để sản xuất thành các sản phẩm như trà sâm, rượu sâm,..
Qua chuyến khảo sát, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho hay, từ thành công bước đầu của mô hình trồng sâm Bố Chính, tỉnh sẽ nghiên cứu hướng phát triển du lịch ở vùng Tây huyện Gio Linh với tour thăm giếng cổ Gio An, thưởng thức đặc sản rau xà lách xoong, các món gà đồi và đặc biệt du khách có thể mua các sản phẩm từ sâm Bố Chính.
Ông Chính yêu cầu trước mắt, cần chọn lựa một số giếng cổ mang tính độc đáo, tiêu biểu để tiến hành qui hoạch, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng bổ trợ và tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu để thúc đẩy phát triển du lịch. Đồng thời giao Sở VHTTDL lập hồ sơ trình UBND tỉnh vào đầu tháng 9/2019 để thực hiện các bước đề nghị công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Lê Chung