Có thể khẳng định TX Bình Minh có đầy đủ lợi thế, tiềm năng du lịch để định hướng phát triển thành trung tâm mới thu hút nguồn du lịch lớn trong tương lai. Vấn đề là định hướng như thế nào và sẽ bắt đầu từ đâu?
Ý chí, quyết tâm của lãnh đạo địa phương có đủ mạnh để tập hợp đội ngũ chuyên gia có năng lực chuyên môn và tầm nhìn sâu rộng để “khai phá” một vùng tài nguyên du lịch màu mỡ nằm bên dòng sông Hậu với những miền đặc sản không đâu có được.
Sinh hoạt sông nước, hoạt động đánh bắt truyền thống trên sông là những hình ảnh hấp dẫn du khách.
Vừa qua, tại cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo TX Bình Minh và chuyên gia du lịch Phan Đình Huê, bước đầu cho chúng tôi thêm củng cố niềm tin về việc sớm hình thành một trung tâm du lịch mới của tỉnh Vĩnh Long, như miền đất màu mỡ tài nguyên du lịch còn hoang sơ chưa người khai phá.
Tại buổi gặp này, Tỉnh ủy viên- Bí thư Thị ủy Bình Minh Nguyễn Hiếu Nghĩa, đã bày tỏ quyết tâm, sẵn sàng mời gọi sự giúp sức, hợp tác từ mọi nguồn lực để đưa “giấc mơ du lịch” của Bình Minh trở thành hiện thực.
Cái lợi thế lớn nhất là dòng sông Hậu mênh mông với cây cầu Cần Thơ vừa là điểm nhấn về đêm khi những du thuyền đưa khách bềnh bồng miền sông nước, vừa là cây cầu chiến lược rút ngắn thời gian từ sân bay Cần Thơ về đến Bình Minh. Đây sẽ là yếu tố quan trọng để có thể xây dựng những tuyến du lịch kết nối bằng đường hàng không với nguồn khách nội địa lẫn quốc tế dễ dàng.
Thiên nhiên cũng ưu đãi Bình Minh, khi dòng sông Hậu đã tạo nên nhánh sông hẹp chảy sâu vào lòng đô thị tại vàm Tắc Từ Tải chia thành những lối rẽ làm nên những vùng đất lạ lùng tạo nên miền cây trái đặc sản độc đáo. Đặc biệt, làng nghề hàng trăm năm vẫn còn tồn tại và đang phát triển bền vững, khác nào viên ngọc quý tạo thêm sự quyến rũ về nét đẹp văn hóa truyền thống Nam Bộ.
Chưa đi sâu phân tích chi tiết về những thế mạnh khác thông qua những cuộc khảo sát, điều tra xã hội; chỉ với những thế mạnh bề nổi đó, chúng ta không khó để xây dựng ở đây những khu, điểm du lịch cho một đô thị sinh thái sông nước miệt vườn trong tương lai không xa.
Khác với vùng du lịch sinh thái trên 4 xã cù lao (Long Hồ) phía sông Tiền, ở đây chúng ta có đủ yếu tố phát triển một đô thị du lịch đặc trưng của miền sông nước Nam Bộ.
Khi đứng bên bờ sông Hậu, nhìn về bên kia sông là một đô thị trung tâm của đồng bằng, ông Phan Đình Huê, nhấn mạnh: “Phải làm sao để chúng ta có thể lôi kéo một nguồn khách đa dạng, từ bên Cần Thơ họ có thể xuống tàu qua bên đây thưởng thức một không gian du lịch đặc trưng! Đó là nguồn khách “sẵn có” sát nách chúng ta, một tiềm năng, lợi thế vô cùng lớn”.
Làm sao chúng ta có thể xây dựng những khu- điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trong những làng nghề tàu hủ ky, trong những khu vườn đặc sản thanh trà, bưởi Năm Roi? Cùng với đó là những dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí… của đô thị Bình Minh và xa hơn là sự kết nối với những trang trại nông nghiệp vệ tinh xung quanh.
Hiện thực hóa giấc mơ đô thị du lịch Bình Minh trong tương lai.
Xây dựng những yếu tố khác biệt mà khi du khách đến Cần Thơ không có được và những chiếc tàu, những chiếc du thuyền sẽ kết nối đôi bờ sông Hậu để đưa họ đến với vùng đất Bình Minh.
Hãy bắt tay hành động cho đô thị du lịch Bình Minh trong tương lai, mà ngay từ bây giờ là chương trình hành động cụ thể với kế hoạch tư vấn, đánh giá cụ thể tài nguyên du lịch để định hướng xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp.
Nhưng theo ông Phan Đình Huê, trước mắt cũng cần có những buổi tập huấn giúp cho cán bộ địa phương nắm bắt được những khái niệm, ý tưởng về du lịch; đồng thời là hỗ trợ người dân nhận thức được về bản chất, lợi ích của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, bởi họ chính là chủ thể mà cũng là những thành tố quan trọng, cốt lõi làm nên sản phẩm du lịch của Bình Minh.
Bài, ảnh: Ngọc Trảng