Biết tôi chuẩn bị cho chuyến tham quan Ðiện Biên, ông bạn vỗ vai bảo: “Lên Ðiện Biên mà không đến bản Phiêng Lơi thì đó là một thiếu sót lớn”. Và quả thật, có đặt chân đến bản văn hóa du lịch Phiêng Lơi, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ), tôi mới hiểu được vì sao mà bạn tôi lại dành tình cảm cho mảnh đất này nhiều đến thế!
Một ngày đầu tháng 6, sau khi tham quan quần thể các di tích lịch sử Ðiện Biên Phủ, chúng tôi lên xe đến với Phiêng Lơi như đã hẹn. Không khách sáo, không màu mè, người dân Phiêng Lơi đón chúng tôi với cả tấm chân tình, khiến cho tôi có cảm giác mình như những người bạn, người con đi xa mới trở về…
Những lời ca, tiếng hát của đội văn nghệ bản Phiêng Lơi luôn để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.
Trước khi dùng cơm tối và thưởng thức các tiết mục giao lưu văn nghệ, tôi có chút thời gian dạo quanh bản để khám phá những nét độc đáo nơi đây. Trưởng bản Phiêng Lơi, Lò Văn Tâm đi cùng tôi. Ông kể cho chúng tôi nghe về chuyện làng chuyện bản, chuyện người Phiêng Lơi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và cả cách mà người dân Phiêng Lơi đoàn kết làm du lịch cộng đồng gần 20 năm qua.
Nằm cách trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ hơn 6km về phía Bắc, bản văn hóa Phiêng Lơi là nơi quần tụ của 64 hộ với trên 200 nhân khẩu, sinh sống lâu đời bằng nghề nông nghiệp, đan lát thủ công. Theo cách lý giải của người dân địa phương, “Phiêng” nghĩa là vị trí bằng phẳng, còn “Lơi” là cách nói lệch đi từ lâu đời. Và tên bản Phiêng Lơi không biết từ khi nào đã chứa đựng mong ước cuộc sống ổn định dài lâu của người dân nơi đây. Cũng giống như nhiều bản Thái khác ở Ðiện Biên, người dân Phiêng Lơi làm nhà sàn ở vị trí lưng tựa vào núi, mặt hướng ra sông, suối hoặc cánh đồng theo nguyên lý “sơn chầu thủy tụ”. Nhìn từ xa, bản Phiêng Lơi giống như một bức tranh thủy mặc với những nếp nhà sàn truyền thống của người Thái nằm sát nhau ven sông Nậm Rốm, bao quanh là núi rừng trùng điệp nhưng rất thanh bình.
Ðón chúng tôi bên hiên nhà sàn rộng lớn, chị Lò Thị Xuyến - chủ hộ và cũng là người làm du lịch cộng đồng có tiếng tại Phiêng Lơi, đon đả chào mời: “Ðến Phiêng Lơi mà chưa dùng cơm, chưa chạm chén rượu là chưa trọn tình với người Phiêng Lơi đâu nhé!” Nói rồi chị dẫn chúng tôi vào trong. Tại đây, những món ăn dân tộc đã được các đầu bếp là những chàng trai, cô gái Thái chuẩn bị tươm tất, hấp dẫn, công phu, như: Cá suối nướng, thịt trâu sấy, lợn cắp nách, gà bản… Mỗi món ăn là một tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa mà không thể lẫn với bất cứ địa phương nào. Ðặc biệt, những món ăn, nguyên liệu và các loại gia vị đều là những sản vật do chính bàn tay người dân địa phương nuôi trồng, làm ra. Bên cạnh đó, các loại rau rừng, như: Rau dớn, rau ban, rau đắng luôn là các món ăn độc đáo, ngon miệng, cuốn hút lòng người… Chị Lò Thị Xuyến tâm sự: Ðược sự định hướng, giúp đỡ của ngành Du lịch tỉnh nhà, gia đình chị đã bắt tay vào làm du lịch cộng đồng từ nhiều năm nay. Bên cạnh việc nâng cao thu nhập cho bản thân, mở rộng hiểu biết, giúp đỡ và tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em trong bản, thì việc làm du lịch cộng đồng còn giúp người dân Phiêng Lơi thêm đoàn kết, gắn bó và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo trưởng bản Lò Văn Tâm, nhờ những lợi thế đặc trưng của bản cùng sự thân thiện, mến khách của người dân nơi đây nên du khách đến tham quan, tìm hiểu và giao lưu văn hóa, thưởng thức ẩm thực tại Phiêng Lơi ngày càng đông. Việc phát triển du lịch cộng đồng thuận lợi, tạo việc làm cho nhiều người, từ phục vụ nấu nướng, tiếp đón khách và cùng khách giao lưu ẩm thực, văn hóa văn nghệ; từ đó chất lượng cuộc sống người dân trong bản được nâng lên. Ðặc biệt, hầu hết những người tham gia phát triển du lịch cộng đồng trong bản đều được tập huấn các lớp nghiệp vụ du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Do đó, tác phong làm du lịch, phong cách phục vụ du khách của người dân bản Phiêng Lơi ngày càng bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Khi màn đêm buông xuống, bên bếp lửa bập bùng, câu hát thay cho lời mời của những cô gái Thái và điệu xòe đoàn viên đã cho tôi cảm nhận được hương vị của núi rừng và tình người Phiêng Lơi.
Bài, ảnh: Tú Anh