Nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Kiên Giang có tài nguyên về văn hóa, du lịch phong phú, đa dạng. Trong định hướng phát triển, tỉnh Kiên Giang đã quy hoạch, đầu tư và đang khai thác tiềm năng du lịch, để sớm đưa ngành công nghiệp không khói trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Khai thác tiềm năng
Kiên Giang hội tụ như một Việt Nam thu nhỏ với địa hình đa dạng: biển đảo, rừng núi, đồng bằng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nhiều nơi còn giữ được nét hoang sơ. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Phạm Vũ Hồng cho biết, Kiên Giang có đường bờ biển dài hơn 200km, vùng biển rộng 63.000km2, hơn 137 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất Việt Nam với nhiều bãi biển đẹp.
Tỉnh Kiên Giang có hai vườn quốc gia, trong đó U Minh Thượng có hệ sinh thải rừng tràm ngập nước ngọt là khu Ramsar thứ tám của của Việt Nam. Kiên Giang cũng là tỉnh duy nhất ở miền nam có nhiều núi đá vôi chạy tới sát biển tạo nên cảnh quan thiên nhiên hết sức kỳ thú, độc đáo, riêng có.
Bên cạnh các tài nguyên du lịch tự nhiên đặc sắc, tỉnh Kiên Giang còn có hệ thống tài nguyên văn hóa lịch sử phong phú và có giá trị với hơn 160 di tích, nhiều vùng là căn cứ cách mạng, như: rừng U Minh, Hòn Đất, Hà Tiên… Tỉnh cũng nằm trong nền văn hóa Óc Eo của người Việt cổ và nền văn hóa truyền thống Việt - Khmer đặc trưng vùng phía tây nam của Tổ quốc.
Với tiềm năng, lợi thế đó, thời gian qua du lịch Kiên Giang đã có bước phát triển. Trong năm 2018, tỉnh Kiên Giang đón hơn 7,7 triệu lượt khách, tăng 19% so năm 2017 và tăng gần gấp đôi so năm 2016. Trong nửa đầu năm 2019, Kỉên Giang đã đón gần 4,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 405 nghìn lượt, tăng 35% so cùng kỳ. Nếu như tổng thu từ du lịch của Kiên Giang trong năm 2016 là 3.700 tỷ đồng, thì 2018 đã là 6.400 tỷ đồng, tăng hơn 73%.
Cùng với những số liệu khả quan về lượng khách và tổng nguồn thu, thì hạ tầng ngành du lịch Kiên Giang cũng được quan tâm đầu tư mạnh. Theo UBND tỉnh Kiên Giang, đến nay toàn tỉnh đã thu hút hơn 300 dự án đầu tư phát triển trên lĩnh vực du lịch, tổng số vốn đăng ký hơn 334.000 tỷ đồng. Nhiều dự án du lịch quy mô lớn, chất lượng và đẳng cấp quốc tế đã được đưa vào khai thác. Nhiều điểm đến du lịch của Kiên Giang đã được các tổ chức quốc tế vinh danh, như: đảo Phú Quốc nằm trong top năm điểm đến mùa thu châu Á 2018 của CNN, trong đó JW Marriott Phú Quốc Emerald Bay được vinh danh là “Khu nghỉ dưỡng mới đẳng cấp nhất châu Á” năm 2018, đứng vị trí thứ hai trong Top 10 Khu nghỉ dưỡng tốt nhất châu Á năm 2019…
Bỏ sót nhiều dư địa
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lê Quang Tùng nhận xét, du lịch Kiên Giang có bước phát triển khá nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Kiên Giang vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Năm 2018, lượng khách quốc tế đến Kiên Giang chỉ đứng thứ 12/63 địa phương, ít hơn 80.000 khách so với vị trí thứ 11 của tỉnh Bình Thuận, ít hơn 120.000 khách so vị trí thứ 10 là tỉnh Lào Cai.
Theo Thứ trưởng Lê Quang Tùng, nhiều khu vực có tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa khai thác, phát triển như kỳ vọng, như: Vườn quốc gia U Minh Thượng, khu vực Kìên Lương - Hà Tiên - Hòn Đất và vùng phụ cận… Hiện nay, các nhà đầu tư chủ yếu tập trung tại Phú Quốc, chiếm đến 84% số dự án, 98% tổng mức đầu tư các dự án về du lịch trên địa bàn. Điều này cho thấy, việc thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch tại các điểm, khu du lịch khác trên địa bàn Kiên Giang còn hạn chế.
Mặt khác, khách du lịch đến với Kiên Giang lưu trú ngắn ngày, chi tiêu chưa nhiều, cho thấy Kiên Giang đang thiếu các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, chất lượng cao. Về cơ cấu tổng doanh thu cũng đang đi ngược với xu hướng. Doanh thu từ buồng phòng, ăn uống, lữ hành chiếm tới 81%, chi tiêu cho dịch vụ chưa đến 20%. Trong khi xu hướng này trên cả nước từ 30-70%, các nước có ngành du lịch phát triển như Thái-lan, xu hướng này còn cao hơn.
Hiện nay, tính kết nối du lịch giữa trung tâm du lịch Phú Quốc với các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh và vùng ĐBSCL chưa cao. Tỉnh Kiên Giang chưa khai thác được các tuyến du lịch đường bộ ven biển xuyên biên giới kết nối với Cà Mau, Campuchia và nam Thái-lan; kết nối đường bộ dọc biên giới Việt Nam - Campuchia với Châu Đốc (An Giang).
Hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, có hiện tượng quá tải như việc kết nối đường biển giữa Phú Quốc với đất liền, giữa Rạch Giá với Hà Tiên, Cà Mau… Nguồn nhân lực lao động của tỉnh còn thiếu, cơ cấu lao động chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững. Ngoài ra, tốc độ phát triến của ngành du lịch nhanh nên tiềm ẩn nguy cơ tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là những khu du lịch ven biển.
Đảm nhiệm vai trò cực thu hút
Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho rằng, để du lịch Kiên Giang phát triển chuyên nghiệp, bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới, tỉnh Kiên Giang cần cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu; đẩy mạnh kết nối các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cộng đồng hình thành chuỗi giá trị du lịch; bảo đảm chia sẻ lợi ích cộng đồng, doanh nghiệp và du khách được hưởng lợi từ hoạt động du lịch.
Kiên Giang cần tập trung thực hiện tốt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng phát triển Phú Quốc thực sự trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế. Tỉnh Kiên Giang cùng TP Cần Thơ đảm nhiệm vai trò cực thu hút, điều phối khách du lịch của vùng ĐBSCL. Đồng thời, xem xét đánh giá và kêu gọi thu hút đầu tư vào các vùng trọng điếm du lịch của tỉnh, như: vùng Hà Tiên - Kiên Lương, vùng Rạch Giá - Kiên Hải, vùng U Minh Thượng đặt trong mối liên kết với Phú Quốc và vùng ĐBSCL.
“Khách du lịch quốc tế ngày càng tìm kiếm sự chân thực và tính bản địa, các hoạt động gắn với trải nghiệm khám phá thiên nhiên. Do đó, Kiên Giang cần kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao phù hợp với đặc thù tài nguyên du lịch của tỉnh. Tập trung các sản phẩm chủ đạo, gồm: du lịch biển đảo; du lịch văn hóa; du lịch gắn với thiên nhiên - sinh thái”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng gợi ý.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, Trần Chí Dũng cho biết, thời gian tới, Kiên Giang sẽ tập trung nội dung liên kết vùng, tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn của điểm đến; phối hợp các tỉnh vùng ĐBSCL bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể như nghệ thuật Đờn ca tài từ Nam Bộ. Cùng An Giang, Đồng Tháp xây dựng hồ sơ đề cử Di tích văn hóa Óc Eo trình UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới.
Nghiên cứu phát triến các tour, tuyến du lịch quốc tế qua đường hàng không, đường biển, đường bộ, như: phối hợp các hãng hàng không xúc tiến, mở các đường bay thẳng, bay charter tới các thị trường nguồn chất lượng cao; khai thác tuyến du lịch đường biển giữa Phú Quốc với Sihanoukville (Campuchia), Thái-lan, Malaysia; tuyến du lịch đường bộ ven biển xuyên biên giới kết nối với Cà Mau, Campuchia và nam Thái-lan…
Ngoài ra, Kiên Giang sẽ tập trung xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường có nguồn khách lớn, chi tiêu cao để gia tăng lượng khách quốc tế đến Kiên Giang. Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp cùng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nhân lực du lịch. Ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triến du lịch.
“Với những định hướng và giải pháp cụ thể, ngành du lịch Kiên Giang kỳ vọng mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 là hiện thực”, ông Trần Chí Dũng lạc quan.
Pháo Đài, một cảnh đẹp ở TP Hà Tiên.
Vườn quốc gia U Minh Thượng.
Bài và ảnh: Việt Tiến