Du lịch Bạc Liêu đang “cất cánh”

Cập nhật:09/08/2019 17:16:05
Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/ TW của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh Bạc Liêu đã có những bước tiến rất quan trọng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

 Trung tâm triển lãm văn học nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu (Nhà ba nón lá) là những điểm thu hút khách du lịch đến với Bạc Liêu. Ảnh: Phương Nghi

Từ lâu, du lịch được xem là ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển, là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Bạc Liêu. Diện mạo du lịch của địa phương này đã có nhiều đổi thay với hàng loạt sản phẩm du lịch tạo được thương hiệu trong khu vực và cả nước.
 
Bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Qua hơn 2 năm (2017 – 2018) thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Bạc Liêu đã đón hơn 3 triệu lượt khách, tăng trung bình khoảng 22%/năm. Trong đó, có trên 91.000 khách quốc tế, hơn 1,2 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú; đồng thời, các dịch vụ khác như mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí... cũng phát triển mạnh. Tổng doanh thu du lịch của tỉnh đạt khoảng 2.820 tỷ đồng, tỷ trọng đóng góp của du lịch trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh là 3,61%.
 
Trong hơn 2 năm qua, Bạc Liêu tập trung quyết liệt cho phát triển số lượng lẫn chất lượng sản phẩm du lịch. Nhiều sản phẩm đặc thù có quy mô lớn, sức cạnh tranh lần lượt được hình thành, góp phần làm đa dạng bức tranh du lịch tỉnh nhà. Bên cạnh việc nâng chất những sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu như: Khu Quán âm Phật đài, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Quảng trường Hùng Vương, Nhà hát Cao Văn Lầu (Nhà ba nón lá)..., tỉnh Bạc Liêu cũng tăng cường mời gọi đầu tư cho các dự án mới, trở thành địa phương có nhiều sản phẩm du lịch nhất khu vực ĐBSCL.
 
Bà Cao Xuân Thu Vân thông tin thêm: Đi liền với phát triển sản phẩm du lịch, tỉnh cũng dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông. Từ đó, tạo điều kiện, cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tham gia đầu tư làm du lịch. Hiện nay, Bạc Liêu có 195 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch. Sự phát triển của các loại hình dịch vụ đã giúp doanh thu du lịch tăng trưởng khá ổn định, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống người dân tại các địa phương.
 
“Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch của Bạc Liêu ngày càng được quan tâm, tăng cường thực hiện; vấn đề đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đảm bảo phục vụ du lịch trong tình hình mới cũng được quan tâm, thực hiện thường xuyên; việc quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch được mở rộng, từng bước phát huy hiệu quả, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Bạc Liêu trong giai đoạn mới” – Bà Vân chia sẻ.
 
Nhìn chung, sự phát triển của du lịch bước đầu đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh; có sự chuyển biến dần về nhận thức vai trò và tầm quan trọng của du lịch trong các cấp, các ngành và nhân dân. Theo bà Lâm Thị Sang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, các cấp, các ngành cần thay đổi mạnh mẽ tư duy và cách tiếp cận về phát triển du lịch, phải xem du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.
 
“Theo kế hoạch, năm 2019, tỉnh Bạc Liêu đặt ra mục tiêu đón khoảng 2,3 triệu lượt khách du lịch (tăng 25,7% so với năm 2018); trong đó, có khoảng 874.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú (tăng 25,76%); khoảng 66.000 lượt khách quốc tế. Phấn đấu doanh thu sẽ đạt khoảng 2.200 tỷ đồng (tăng 35,8%); trong đó, doanh thu nhà hàng, khách sạn khoảng 880 tỷ đồng (tăng 35,8%)” – Bà Cao Xuân Thu Vân cho biết.
 
Bà Lâm Thị Sang cho biết thêm: “UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ chỉ đạo đẩy mạnh việc kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiệu quả; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch các cấp. Đồng thời, nâng cao vai trò của các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, hội nghề nghiệp khác trong hỗ trợ phát triển du lịch nói chung và hỗ trợ hoạt động của Hiệp hội Du lịch. Bên cạnh đó, Bạc Liêu sớm xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế quản lý du lịch giữa các ngành nghề để phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về phát triển du lịch; huy động có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để đầu tư cho phát triển du lịch”.
 
Từ nay đến cuối năm 2019, Bạc Liêu tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch gắn với kỷ niệm 100 năm ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” (1919 – 2019) và 100 năm xây dựng nhà Công tử Bạc Liêu. Năm 2020, tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Ninh Bình kỷ niệm 60 năm kết nghĩa, cũng như các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia Ninh Bình 2020. Đồng thời, Bạc Liêu sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố đăng cai tổ chức Liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể thế giới tại Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc vinh danh.

Phương Nghi

Nguồn: Báo Biên Phòng