Tỉnh Quảng Ninh ngày càng khẳng định vai trò đầu tàu trong phát triển du lịch của cả nước, là điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng chất lượng cao của du khách trong và ngoài nước.
Chèo thuyền kayak trên Vịnh Hạ Long là một trong những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn du khách. (Nguồn: BQN)
Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sau hai năm triển khai, Nghị quyết đã tiếp đà cho Quảng Ninh phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế. Trên cơ sở Nghị quyết này, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động, trong đó, xác định rõ định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh.
Những ý tưởng mang tính đột phá
Xác định du lịch là ngành kinh tế có tính lan tỏa, liên ngành, liên vùng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo, định hướng các cấp ủy, chính quyền nhiều nội dung, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức hoạt động kinh doanh. Tỉnh đã tăng cường ủy quyền cho UBND các địa phương thực hiện công tác quản lý, đồng thời gắn kết trách nhiệm của các địa phương, doanh nghiệp vào từng lĩnh vực cụ thể.
Các sở, ngành, địa phương đã chủ động tham mưu, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; lập quy hoạch chi tiết các vùng, khu, điểm du lịch, đề án phát triển du lịch; đề xuất những ý tưởng mang tính đột phá, đặc biệt là các giải pháp về quản lý, công tác xây dựng chính sách, giao trách nhiệm, kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện và ủy quyền, phân cấp.
Phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, Quảng Ninh đã huy động được nhiều nguồn lực từ ngân sách nhà nước và các nhà đầu tư, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng du lịch phục vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Một loạt các công trình vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chất lượng cao trên địa bàn tỉnh được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của nhân dân, du khách trong và ngoài nước, điển hình như: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hạ Long, Khách sạn Vinpearl Hạ Long, Sun World Ha Long Park, Khách sạn Mường Thanh...
Cùng với đó, hạ tầng giao thông kết nối các điểm tham quan, du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh cũng đã được đầu tư, hoàn thành, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ, khai thác có hiệu quả các trung tâm du lịch, như: Tuyến đường nối khu di tích nhà Trần (Đông Triều) với khu di tích danh thắng Yên Tử, đường kết nối Ngọa Vân với Yên Tử, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, hoàn thành 84,7km đường cao tốc từ Hải Phòng đến Vân Đồn, hoàn thành cải tạo, nâng cấp QL18A đoạn Uông Bí - Hạ Long - Mông Dương, hoàn thành tuyến QL18C đoạn Tiên Yên - Bình Liêu, đường tỉnh 340, 329...
Trên cơ sở nền tảng hạ tầng kỹ thuật sẵn có và mới được đầu tư, Quảng Ninh tập trung phát triển bốn dòng sản phẩm du lịch chính, gồm: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng sinh thái và du lịch biên giới. Hiện nay, 12/14 địa phương của tỉnh có các tuyến, điểm du lịch được công nhận, bao gồm 33 tuyến, 88 điểm du lịch, một khu du lịch địa phương và một khu du lịch quốc gia Trà Cổ mới được công nhận. Các địa phương đã chủ động phát triển những sản phẩm du lịch dựa theo lợi thế, điều kiện của từng khu vực, do đó đã phát huy được thương hiệu của từng sản phẩm.
Phát huy thương hiệu của từng sản phẩm
Hạ Long, nơi có Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, đến nay đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch biển đảo kết hợp du lịch văn hóa, tâm linh, như: Hát giao duyên trên Vịnh Hạ Long; khám phá Vịnh Hạ Long bằng thuyền kayak, thủy phi cơ, mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững kết hợp với du lịch có trách nhiệm; tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn với các công trình văn hóa, vui chơi, nghỉ dưỡng mới như Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh; Bảo tàng - Thư viện tỉnh; Quảng trường 30/10, Hạ Long Park; bãi tắm Hạ Long...
TP. Móng Cái tập trung dòng sản phẩm có đặc trưng thế mạnh như: du lịch biên giới kết hợp du lịch đô thị; khai thông xe du lịch tự lái nối dài tuyến Hạ Long - Quế Lâm. TP Uông Bí và TX Đông Triều tập trung các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, với hệ thống các đền, chùa trên địa bàn.
Cùng với việc đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch, trong giai đoạn 2017-2018, các cấp, ngành, địa phương chủ động nhiều giải pháp quản lý, đổi mới phương thức hoạt động; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động du lịch. Đồng thời, tập trung giải quyết những vấn đề bất cập trong hoạt động kinh doanh lữ hành, chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú và hướng dẫn viên du lịch.
Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo các ngành rà soát, chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về mở, quản lý tài khoản, dịch vụ thanh toán, thẻ ngân hàng, thiết bị chấp nhận thẻ, quản lý ngoại hối trong hoạt động thanh toán, kinh doanh ngoại tệ, nhất là đối với các đơn vị, cá nhân có các cửa hàng bán sản phẩm cho khách du lịch nước ngoài. Qua công tác thanh, kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý hành chính các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, đồng thời kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các quy định của nhà nước về lĩnh vực du lịch.
Sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh tăng đột biến. Trong giai đoạn 2017-2018, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt trên 22 triệu lượt (năm 2017 đạt 9,87 triệu lượt, năm 2018 đạt 12,2 triệu lượt khách); tổng thu từ khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt gần 41.500 tỷ đồng.
Hiếu Dân