Tọa đàm “Kết nối điểm đến - Chia sẻ cơ hội” vừa diễn ra tại Gia Lai với sự tham gia của các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch nhằm kết nối các điểm đến mới, phát triển sản phẩm hiệu quả nhất và chia sẻ lợi ích từ việc phát triển du lịch cộng đồng.
Khách du lịch chụp ảnh cùng bà con làng Ta Lang, ảnh Ngô Anh Tuấn
Tọa đàm diễn ra ngay sau chuyến khảo sát tới 4 làng du lịch cộng đồng thuộc các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai do Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam - VCTC (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) tổ chức.
Cần đa dạng hoá sản phẩm du lịch
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch VCTC cho biết: Đây là tuyến du lịch “hoàn toàn mới” do VCTC hỗ trợ. Có thể có những làng trong tuyến này đã được các đơn vị du lịch khai thác đơn lẻ, tuy nhiên đến giờ VCTC mới phối hợp với các địa phương xây dựng tuyến để kết nối các điểm, hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số làm du lịch, chia sẻ lợi ích từ phát triển cộng đồng giữa doanh nghiệp, địa phương và người dân. “Chính quyền huyện A Lưới, Tây Giang, thành phố Kon Tum đã rất tích cực hợp tác trong việc phát triển du lịch cộng đồng ở những địa phương này. Các làng du lịch cộng đồng trên tuyến “Đường Trường Sơn huyền thoại” có văn hóa đặc sắc, độc đáo của đồng bào Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi, Ba Na… Cảnh quan thiên nhiên ở vùng này cũng rất hùng vĩ, đặc biệt là sự nhiệt tình, mến khách của người dân. Đây là những điều kiện rất tốt để mở ra cơ hội hợp tác, liên kết phát triển các điểm du lịch cộng đồng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, ông Phạm Hải Quỳnh nói.
Đóng góp ý kiến, đại diện các già làng, trưởng bản, chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp du lịch, chuyên gia du lịch, các cơ quan báo chí tham gia đoàn khảo sát đã trao đổi kinh nghiệm về cách làm du lịch cộng đồng sao cho hiệu quả, từ việc đón tiếp; giới thiệu, quảng bá; tiềm năng du lịch đến các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư. Đặc biệt là việc nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong ngành du lịch địa phương, cụ thể là những bà con mới bắt đầu tham gia làm du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại điểm; cải tạo và nâng cấp giao thông, hệ thống điện chiếu sáng hay mạng di động wifi; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hướng dẫn cho bà con làm ra các sản phẩm quà lưu niệm để tăng nguồn thu...
Mỗi người dân hãy là một hướng dẫn viên
Ông Pơloong Plênh, cán bộ Phòng Văn hóa thông tin huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết làng du lịch cộng đồng Ta Lang (xã Bhalêê) có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như nằm trên trục đường Hồ Chí Minh huyền thoại, có con suối Chơr Lang thơ mộng và thác nước R’cung huyền bí, đặc biệt nơi đây còn giữ được nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Cơ Tu. Làng Ta Lang đã được UBND tỉnh Quảng Nam chọn làm điểm đầu tiên để xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng VCTC và một số đơn vị khác tài trợ. Cụ thể đã hỗ trợ nâng cấp 5 nhà sàn lưu trú cho khách (theo mô hình homestay), một quầy lễ tân bán các sản vật của địa phương với không gian du lịch vẫn giữ nguyên bản làng truyền thống Cơ Tu. Đến nay, sau gần 3 tháng triển khai nâng cấp, làng du lịch cộng đồng Ta Lang có thể phục vụ các đoàn khách du lịch lên tới cả trăm người.
Ghi nhận những đóng góp của VCTC hỗ trợ huyện Tây Giang trong việc phát triển du lịch cộng đồng, ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang mong muốn thời gian tới, VCTC và các đơn vị tiếp tục giúp người dân tiếp cận với cách làm kinh tế mới có thêm thu nhập. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, VCTC mở thêm các lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho bà con và cán bộ quản lý du lịch trong đó bao gồm kỹ năng, kiến thức về homestay, marketing, cách quản lý và vận hành điểm du lịch, kỹ năng cơ bản hướng dẫn viên du lịch tại chỗ, cách làm marketing du lịch và marketing online…
Bà Phan Thị Thu Minh, Phó Chủ tịch thường trực VCTC cho rằng: “Mô hình du lịch cộng đồng là mục tiêu phát triển du lịch bền vững mà tỉnh Gia Lai và một số tỉnh hướng tới nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển du lịch gắn với công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Quan trọng nhất là cần hướng dẫn người dân cách làm du lịch nhưng vẫn giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt là không được lai tạp trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, làm mất đi giá trị cốt lõi”.
Ông Nguyễn Thế Nghị, Giám đốc Công ty xây dựng ANZ travel đề xuất: “Sau khi xây dựng xong chương trình tour, hình thành bộ sản phẩm, bộ giá chuẩn… cần công bố rộng rãi tới các công ty lữ hành trong nước và quốc tế để cùng khai thác. Sau thời gian hỗ trợ, VCTC và các đơn vị liên quan nên bàn giao lại cho các địa phương có quản lý, các địa phương có thể giao lại cho từng đơn vị chịu trách nhiệm. Việc đón tiếp, gây dựng nguồn khách, quảng bá xúc tiến, mở rộng thị trường, tập huấn đào tạo kỹ năng… cần làm thường xuyên, liên tục vì nếu không có khách, bà con sẽ dễ dẫn đến chán nản”.
Tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ, góp ý và khẳng định có thể xây dựng ngay các chương trình tour gắn kết các điểm du lịch với các tỉnh/ thành gần như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình và tổ chức truyền thông thật tốt. Đồng thời, cần xây dựng thêm các sản phẩm đặc sản địa phương, quà lưu niệm chứ như hành trình vừa khảo sát, khách hầu như chưa chi trả gì vì sản phẩm, sản vật quá ít. Các điểm đến cũng cần bổ sung, đào tạo thêm các hướng dẫn viên tại điểm. Đội ngũ này cần có kiến thức về điểm đến thật tốt, hiểu về các dân tộc, nêu được các điểm nhấn quan trọng về văn hóa địa phương và các mốc lịch sử. Các chương trình giao lưu cũng cần làm gắn gọn, vừa phải, có kịch bản và có sự tham gia của khách, tăng tính tương tác giữa khách và bà con dân bản.
Nghiêm Hùng