Để tìm giải pháp phát triển bền vững du lịch đến năm 2030, ngày 5/12, TP. Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Theo thống kê của Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2015-2019 ước đạt 18%. Năm 2019, Đà Nẵng ước đón 8,7 triệu lượng khách tham quan, du lịch, tăng 85,7% so với năm 2015.
Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch giai đoạn 2015-2019 ước đạt 25,7%. Tổng thu từ du lịch năm 2019 ước đạt 30.973 tỷ đồng, tăng 142% so với năm 2015.
Tổng cơ sở lưu trú du lịch hơn 940 cơ sở, tăng hơn 1,9 lần so với năm 2015. Dự báo đến năm 2025, tổng khách lưu trú dự báo tăng từ 12-15%/năm và dự báo đến 2030, con số này ước tăng 10-12%/năm với tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu dịch vụ lưu trú dự báo tăng khoảng dưới 14 %/năm.
Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Thời gian qua, Thành phố đã có những giải pháp để phát triển du lịch và đạt được những kết quả tốt. Tổng thu du lịch tăng qua từng năm và đóng góp đáng kể vào ngân sách thành phố, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch đang đối mặt với những khó khăn nhất định về hạ tầng giao thông, sản phẩm mới, cơ chế chính sách, môi trường…
Trước những thách thức đó, Thành phố tổ chức hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến các chuyên gia, từ đó có giải pháp căn cơ để phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị.
Theo đó, định hướng phát triển du lịch đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ tập trung tăng lượng khách phân khúc chất lượng cao, đa dạng hoá thị trường khách quốc tế, hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
Tăng cường khai thác và mở rộng thị trường gồm Nga, Ấn Độ, Australia, Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu, Trung Âu; tiếp tục khai thác thị trường Hàn Quốc (tập trung khách nghỉ dưỡng, đánh golf), Trung Quốc (tập trung dòng khách chi tiêu cao), Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan…
Định hướng sản phẩm du lịch theo 4 nhóm chính: Du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, MICE; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái, làng quê, làng nghề; du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực.
Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác liên kết các địa phương trong nước, đặc biệt là 4 địa phương Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội và các tỉnh, thành phố, vùng duyên hải miền Trung để kết nối phát triển sản phẩm du lịch..
Cần hướng từ "lượng" sang "chất”
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng để Đà Nẵng phát triển bền vững trong thời gian tới, Thành phố cần nhanh chóng đẩy mạnh xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường biển; chú trọng phát triển du lịch về đêm; tăng cường khai thác và mở rộng thị trường; xây dựng các sản phẩm du lịch mới, chất lượng; cần chuyển từ “lượng” sang “chất”…
Ông Trần Chí Cường, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP. Đà Nẵng cho rằng: Điều cốt lõi của phát triển du lịch của Đà Nẵng trong thời gian vừa qua chính là sự đồng lòng, đồng thuận của các cấp chính quyền và chung sức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
“Thời gian qua, du lịch Thành phố đã phát triển về số lượng rất tốt, nhưng đi theo đó là áp lực về giao thông, môi trường… Do đó, đã đến lúc chúng ta không nên chú trọng phát triển số lượng mà cần theo chất lượng. Đi kèm với nó là những sản phẩm cao, dịch vụ cao, nhân lực cao để tương ứng đồng bộ. Ngoài ra, cần đặc biệt tăng liên kết vùng. Du lịch có tính không biên giới, nếu không làm tốt việc liên kết vùng thì chúng ta lại quay lại lối mòn cũ như trước đó chỉ là điểm trung chuyển khách chứ không phải là điểm tiếp nhận khách và lan tỏa khách cho các vùng lân cận", ông Cường lưu ý.
Đà Nẵng cũng cần phát triển du lịch về đêm để tăng sức hấp dẫn đối với du khách, tuy nhiên, việc phát triển cần phù hợp với tập quán sinh hoạt của cư dân địa phương, nhu cầu của khách thế, bàn bạc dịch vụ nào là cần thiết, hợp lý…
TS. Trương Sỹ Quý, Trưởng Khoa Du lịch, Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) nhận định: Điều tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững cho Đà Nẵng là biển, thứ 2 là đầu mối giao thông, thứ 3 là sự hiếu khách của người dân. Chiến lược của Đà Nẵng cần tập trung vào 3 định hướng cốt lõi đó.
Đồng tình với các quan điểm trên, PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng: Gắn với Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, coi du lịch là ngành du lịch mũi nhọn, Đà Nẵng cần phải làm rất nhiều. Trước hết phải xác định tiêu chí thế nào là ngành kinh tế mũi nhọn? Để du lịch phát triển, Đà Nẵng cần có những sản phẩm du lịch đặc thù nào? Cần xác định Đà Nẵng là cửa ngõ du lịch miền Trung chứ không chỉ là điểm đến…
Du lịch Đà Nẵng hãy chuyển từ “lượng” sang “chất”, đừng đặt chỉ tiêu số lượng khách mà phải xem tổng thu nhập du lịch bao nhiêu, mỗi du khách ở lại bao nhiêu ngày, mỗi khách chi tiêu bao nhiêu trong chuyến đi… Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần nghiên cứu, phát triển về du lịch đêm.
Lưu Hương