Việc phát hiện thêm một số ca mới nhiễm Covid-19 tại Việt Nam khiến ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh lại càng gặp nhiều khó khăn. Đẩy mạnh truyền thông, kích cầu du lịch, đề nghị miễn hoặc giảm thuế cho doanh nghiệp du lịch là những giải pháp đang được các sở, ngành thành phố tích cực triển khai…
Thiệt hại nặng nề
TP. Hồ Chí Minh luôn là một trong những địa phương có lượng khách đến và đi lớn nhất cả nước nhưng trong 2 tháng đầu năm số lượng khách bị sụt giảm nghiêm trọng. Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, lượng khách du lịch quốc tế đến thành phố trong tháng 2/2020 đạt 346.650 lượt khách, giảm 52% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu tính cả 2 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến thành phố ước đạt hơn 1,18 triệu lượt, giảm 21,71% so với cùng kỳ. Công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú du lịch từ 3-5 sao cũng chỉ đạt khoảng 45-50%; đối với các cơ sở lưu trú du lịch từ 1-2 sao, khách lưu trú chủ yếu là khách thuê giờ hoặc khách lẻ. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều địa danh nổi tiếng của thành phố vốn luôn đông đảo du khách tới thăm nhưng trong những ngày này khá thưa thớt. Lượng khách giảm, kéo theo doanh thu du lịch tháng 2/2020 của thành phố cũng sụt giảm mạnh, ước đạt 8.100 tỷ đồng, giảm 29,94% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 37% so với tháng trước. Trong 2 tháng đầu năm 2020, doanh thu của ngành du lịch thành phố ước đạt 21,127 tỷ đồng.
Du khách tham quan Bưu điện TP. Hồ Chí Minh.
TP. Hồ Chí Minh hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp du lịch; do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các doanh nghiệp đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Không những phải chủ động phòng, chống dịch, các doanh nghiệp còn phải bảo đảm chất lượng phục vụ khi lượng khách giảm, giải quyết các tình huống phát sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh. Từ thời điểm Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp phải đổi, hủy chương trình tour, thay đổi kế hoạch kinh doanh do tâm lý khách hàng lo sợ dịch bệnh. Nhiều nhà hàng, khách sạn phải cắt giảm gần 10% nhân sự vì không có công việc để bố trí, đồng thời tiết kiệm chi phí. Bà Tạ Thị Cẩm Vinh, Phó Tổng giám đốc Bến Thành Tourist, cho biết: "Bình thường, bình quân mỗi tháng 200-300 lượt tour, bây giờ chỉ còn 2-3 lượt tour; lúc trước thời gian này công suất phòng là 99% nhưng hiện tại chỉ có 10%".
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Để tháo gỡ cho các doanh nghiệp du lịch, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất nhóm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, sở đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị với các bộ, ngành miễn hoặc giảm 50% thuế giá trị gia tăng và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành. Thời gian nộp thuế được đề xuất giãn sang quý 3 hoặc quý 4/2020. Sở cũng đề nghị hỗ trợ 50% tiền thuê đất trong hai năm cho các khách sạn, trung tâm hội chợ triển lãm, kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng đến hạn để không doanh nghiệp nào phát sinh nợ xấu. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, nếu kiến nghị này được xem xét và chấp thuận thì đây là nguồn động viên lớn cho doanh nghiệp để họ có thể an tâm tập trung vào việc phát động lại thị trường. Khoản vốn mà doanh nghiệp phải chậm nộp thuế sẽ được tái đầu tư vào việc kinh doanh.
Phía cơ quan thuế cũng đã và đang rà soát, tính toán các phương án để sớm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh lữ hành vượt qua giai đoạn khó khăn. Đại diện lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết: Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh sẽ rà soát lại các doanh nghiệp du lịch trên cơ sở sẽ tham mưu với Ủy ban kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính trước mắt là giãn thuế cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp có tiềm lực tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời có chính sách miễn và giảm thuế đối với doanh nghiệp thực sự khó khăn. Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan thuế, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay; đặc biệt là giảm giá vé vào cửa ở các điểm tham quan…
Cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, Sở Du lịch thành phố đã tổ chức và trao đổi, lắng nghe ý kiến góp ý của doanh nghiệp du lịch; phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá; xây dựng các chương trình kích cầu du lịch phù hợp; bảo đảm, duy trì mức độ phát triển lĩnh vực du lịch tại thời điểm hiện tại và khi chấm dứt dịch bệnh. Về phía doanh nghiệp lữ hành, thời gian này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần có phương án và giải pháp cụ thể để đối phó với những khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Song song với công tác phòng, chống dịch, chấp hành nghiêm các yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp lữ hành cũng nên chủ động tìm kiếm thêm các thị trường du lịch mới, thiết kế các tour đến vùng an toàn, chưa bị ảnh hưởng của dịch bệnh; chuẩn bị xây dựng chương trình xúc tiến, quảng bá sau khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn.
Bài và ảnh: Hoàng Ngân - Diệu Thư