Với vị trí là cửa ngõ phía nam của vịnh Bắc Bộ, là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, những năm qua, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) luôn chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, phát triển du lịch là bài toán không dễ đối với huyện đảo Cồn Cỏ.
Được thành lập vào tháng 10-2004 đến nay, sau hơn 15 năm xây dựng, huyện đảo Cồn Cỏ từng bước xác lập cơ cấu kinh tế theo hướng "du lịch-dịch vụ-thủy sản, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh (QP,AN). Trong đó, Huyện ủy, UBND huyện Cồn Cỏ xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, dựa vào những ưu thế về tự nhiên như: Bãi tắm đẹp, môi trường biển xanh, sạch, hệ động, thực vật phong phú với những nét đẹp hoang sơ, yên bình. Đến Cồn Cỏ, du khách được hòa mình vào thiên nhiên xanh mát, trải nghiệm du lịch sinh thái giữa những tán rừng rộn tiếng chim hót, lặn ngắm san hô, câu cá…; được tìm hiểu các điểm tham quan, di tích văn hóa-lịch sử như: Hầm quân y, trạm hải đăng, phòng truyền thống…
Cồn Cỏ hứa hẹn sẽ trở thành một điểm du lịch hút khách trong thời gian tới.
Để phát triển du lịch, huyện Cồn Cỏ thực hiện chủ trương xây dựng các công trình trên đảo bảo đảm mục tiêu mang tính lưỡng dụng, vừa phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, vừa góp phần quan trọng củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng. Do đó, huyện có những sự tính toán, quy hoạch cụ thể về phát triển du lịch. Với những sự đầu tư bài bản vào ngành kinh tế không khói, năm 2019, Cồn Cỏ đã thu hút gần 6.300 khách du lịch ra đảo, đạt 104,7% kế hoạch năm, tăng 52,2% so với năm 2018; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 7,35 tỷ đồng, tăng 61,7% so với năm 2018. Anh Lê Nhật Hải, trú tại khu dân cư số 1, huyện Cồn Cỏ, cho biết: “Những năm trở lại đây, diện mạo huyện đảo đã có nhiều đổi thay, đặc biệt là từ năm 2017, khi có chủ trương mở tuyến du lịch ra đảo. Có khách du lịch, các hộ dân có thêm việc làm, kinh doanh các dịch vụ phục vụ du khách, tăng thu nhập, sức tiêu thụ các sản phẩm thủy, hải sản cũng tăng theo, đời sống người dân được cải thiện đáng kể”.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những kết quả bước đầu trong bối cảnh ngành du lịch huyện đảo Cồn Cỏ còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch trên đảo còn hạn chế. Các công trình chỉ mới bảo đảm phục vụ dân sinh và một phần nhỏ phục vụ phát triển KT-XH; các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ, các khu vui chơi giải trí hầu như không có. Các cơ sở lưu trú, homestay mới manh mún, nhỏ lẻ, không đáp ứng đủ nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, toàn đảo phục vụ du lịch hiện chỉ có hai tàu, công suất hơn 200 khách/chuyến. Đảo chưa có bến cập, đỗ, nhà chờ tàu, gây bất tiện và mất an toàn cho du khách khi ra vào đảo. Với dân số ít, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch của đảo rất hạn chế, chủ yếu là người dân địa phương tự mở các dịch vụ nên chất lượng phục vụ chưa cao. Trước những khó khăn đó, dù được huyện đảo Cồn Cỏ tích cực kêu gọi đầu tư nhưng đến nay, các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch, lữ hành vẫn tỏ ra không mấy mặn mà.
Để giải bài toán phát triển du lịch, năm 2020, huyện đảo Cồn Cỏ tập trung khai thác có hiệu quả các công trình, cơ sở dịch vụ du lịch hiện có; đồng thời đẩy mạnh đầu tư, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch nhằm tạo bước bứt phá cho lĩnh vực này, như: Từng bước hoàn thiện tuyến giao thông giữa đảo và đất liền, bến cảng du lịch; nâng cấp, mở rộng tuyến đường sinh thái, bãi tắm, âu tàu - cảng cá; xây dựng resort, nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí, công viên; nâng cấp hạ tầng Trạm viễn thông Cồn Cỏ, bảo đảm thông suốt về thông tin, liên lạc và internet… Huyện đảo tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng trình Trung ương, tỉnh Quảng Trị công nhận, xếp hạng một số điểm di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trên đảo, trở thành điểm tham quan, trải nghiệm, tạo ra nhiều sự lựa chọn phong phú cho du khách khi đến với Cồn Cỏ.
Nếu như trước đây, giảo cổ lam-một loại dược liệu rất giá trị trong việc chữa bệnh theo hình thức bán thô thì từ năm 2020, với sự giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị, huyện đảo Cồn Cỏ sẽ nghiên cứu để tạo ra sản phẩm trà túi lọc giảo cổ lam nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, bảo đảm khai thác bền vững, tránh tận diệt. Đồng thời, huyện sẽ đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm mang thương hiệu Cồn Cỏ như: Nước mắm truyền thống, giảo cổ lam… Đây sẽ là những sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện đảo Cồn Cỏ.
Ông Trương Khắc Trưởng, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, cho biết: “Đây là năm thứ tư huyện đảo Cồn Cỏ thực hiện việc đầu tư phát triển du lịch. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề kêu gọi, thu hút đầu tư chưa có một cơ chế đặc thù để ưu tiên cho huyện đảo. Do đó, chúng tôi mong muốn thời gian tới, Trung ương, các bộ, ngành quan tâm xây dựng cho huyện đảo Cồn Cỏ một cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp liên doanh, liên kết đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ; góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, nhân lực du lịch, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển du lịch tại đảo”.
Bài và ảnh: Thanh Thuý