Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu tại chương trình khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam”, năm 2019: Nguồn lực lớn nhất của Tổ quốc ta chính là gần 100 triệu đồng bào trong và ngoài nước thuộc 54 dân tộc anh em.
Truyền thống đại đoàn kết, trên dưới một lòng đã làm nên một sức mạnh vô bờ bến không chỉ trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giữ gìn non sông, bờ cõi trước đây mà còn đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi nguy cơ tụt hậu trong phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình ngày nay”. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân và phát huy các giá trị văn hóa, con người Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Bản sắc văn hóa như tiếng gọi để cố kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc
Thực tiễn lịch sử dân tộc Việt Nam đã minh chứng, trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, các dân tộc anh em luôn kề vai sát cánh, gắn bó máu thịt bên nhau, đánh bại nhiều cuộc xâm lược; xây dựng đất nước; bảo vệ nền văn hóa, văn hiến của dân tộc. Bởi vậy, giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc vừa là nhiệm vụ chiến lược, vừa mang tính cấp bách hiện nay trước sự tác động mạnh mẽ của khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Bảo tồn văn hóa dân tộc chính là chia sẻ, xây dựng những giá trị văn hóa tốt đẹp; cùng nhau tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều này được thể hiện rõ trong Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 19/4 hằng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, cách đây hơn 10 năm (2008). Một trong ý nghĩa, mục tiêu quan trọng của ngày này là giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của mỗi công dân trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: "Bản sắc văn hóa như tiếng gọi để cố kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc. Có người Mông đen hay Mông trắng nào mà không biết tới tiếng khèn Mông. Còn người dân tộc Thái có ai lại không biết xòe vòng... Điểm chung, các hoạt động văn hóa ấy luôn diễn ra với số đông người, thể hiện rõ tình đoàn kết, cộng đồng được cố kết. Vì thế mới nói, còn bản sắc dân tộc là còn sự đoàn kết. Và rõ ràng, khi các dân tộc am hiểu về bản sắc dân tộc mình, họ sẽ có tự hào riêng. Và mỗi dân tộc khi cùng nhau giữ gìn bản sắc sẽ làm cho toàn bộ nền văn hóa chung cùng phát triển mà không hòa lẫn vào nhau. Nét đặc sắc trong văn hóa mỗi dân tộc càng mạnh thì tình đoàn kết càng mạnh; sự cố kết dân tộc càng tốt hơn. Vì thế, bảo tồn văn hóa dân tộc càng quan trọng và phải diễn ra thường xuyên".
Du khách thích thú với những đặc sản của đồng bào dân tộc ở Hòa Bình.
Du lịch gắn với đặc trưng văn hóa, cách bảo tồn hiệu quả
Chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển được thực hiện khá thành công khi nhiều mô hình du lịch được cộng đồng chung tay ở nhiều địa phương. Khu du lịch sinh thái xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) là một ví dụ điển hình. Không chỉ đa dạng với những khu rừng đặc dụng quý hiếm, những hang động núi đá, thác nước hùng vĩ mà còn có nhiều địa điểm có giá trị lịch sử, văn hóa. Đây là nơi sinh sống của đồng bào nhiều dân tộc, như: Kinh, Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Mông, Thái, Mường. Trong chuyến công tác tìm hiểu thực tế cách làm du lịch tại Hữu Liên, cuối năm 2018, đoàn công tác của các phóng viên, đại diện một số công ty làm du lịch, cơ quan quản lý du lịch được ông Hoàng Minh Luật, Bí thư Đảng ủy xã Hữu Liên giới thiệu rất kỹ về những đặc sản thế mạnh giúp quê hương có thể vừa làm giàu, vừa bảo tồn nét văn hóa riêng có, như: Cá suối chua Lâm, thịt lợn hun khói, nem nướng, bánh chưng đen… Điều làm ông tự hào là mô hình hoạt động du lịch cộng đồng của xã được tổ chức tương đối quy củ, người dân đoàn kết bảo vệ những giá trị văn hóa của dân tộc mình và xây dựng nơi đây thành điểm đến du lịch ngày càng hấp dẫn du khách. Các hộ dân đều hào hứng tham gia. Ai cũng hiểu rằng, giữ gìn nét đẹp của cộng đồng là giữ gìn sinh kế cho chính gia đình mình.
Không dừng lại ở việc phát huy nội lực, Hữu Liên còn tìm hướng đi, cách làm phù hợp với sự chung tay của nhiều thành phần. Họ đã mời cả những đoàn doanh nghiệp, chuyên gia du lịch về góp ý, xây dựng sản phẩm với hy vọng vừa phát triển theo hướng hiện đại, vừa giữ được những nét độc đáo của văn hóa xứ Lạng. Theo hướng phát triển du lịch bền vững, giờ đây, Hữu Liên ngày càng được nhiều du khách biết đến, tìm về. Đề cập đến cách làm trên, theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, sản phẩm du lịch đặc thù là sản phẩm hấp dẫn nhưng cần phải có cách làm sáng tạo. “Khi đến một vùng Tây Bắc mà chỉ ở nhà sàn, xem múa xòe, ăn nếp Thái, đi suốt từ Quốc lộ 6 đến Điện Biên, Sơn La, vòng qua Lai Châu, Lào Cai... đều như nhau thì rất nhàm chán. Chỉ có phát huy được sự khác nhau giữa bản sắc các dân tộc mới tạo ra sản phẩm văn hóa riêng. Ví dụ, cùng múa nhưng người Thái múa xòe, người Mông múa khèn, người Tày lại khác. Thậm chí, múa khèn người Mông ở Sơn La lại khác người Mông ở Sa Pa, người Dao đỏ khác người Dao quần chẹt... Rồi nghi lễ đón khách, giao lưu... cũng khác nhau giữa các dân tộc”, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn nói.
Du lịch khi được làm đúng cách cũng chính là góp phần vào bảo tồn tính bền vững của văn hóa; bảo vệ môi trường thiên nhiên; môi trường sống của đồng bào... Và chỉ khi làm được như thế mới hấp dẫn du khách. Đúng cách theo các chuyên gia là cần phải có tính toán cụ thể, từ nhu cầu nhà ở, ẩm thực và trải nghiệm. Nhà ở cho khách như thế nào, chứ không thể đến đâu cũng cho khách ở nhà sàn dù nhà sàn rất hay. Ẩm thực Thái khác Mường, Dao... ra sao, đặc biệt là trải nghiệm văn hóa các dân tộc cũng phải tính toán để nét riêng có mỗi nơi được cảm thụ đặc sắc nhất. Có như thế mới thấy sự khác biệt giữa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải với ruộng bậc thang ở Sa Pa hay ở Hoàng Su Phì...
Xây dựng được những sản phẩm khác nhau, quảng bá sự khác biệt ấy chính là góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa vừa đặc sắc, vừa đa dạng của 54 dân tộc anh em. Đó cũng chính là giải pháp mang tính chiến lược trong xây dựng văn hóa, tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh vô địch tạo ra tiềm lực to lớn trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bài và ảnh: Lan Dịu