UBND Tp. Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND triển khai cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Hải Phòng đặt kế hoạch thu hút hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế năm 2020 - Ảnh minh họa: Internet
Theo đó, mục tiêu là cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng trí thức và công nghệ cao; xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực dịch vụ thông qua việc tập trung phát triển các ngành dịch vụ “cơ sở hạ tầng”; chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng nâng cao tỷ trọng các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin…
Trong lĩnh vực du lịch, năm 2020, Hải Phòng đặt kế hoạch thu hút 1.248.000 lượt khách quốc tế, 9.392.000 lượt khách nội địa, tổng thu đạt 8.500 tỷ đồng (lưu trú và lữ hành đạt 3.900 tỷ đồng), tạo việc làm cho khoảng 15.900 lao động; đến năm 2025 thu hút 2.700.000 lượt khách quốc tế, 17.300.000 lượt khách nội địa, tổng thu đạt 16.564 tỷ đồng (lưu trú và lữ hành đạt 7.600 tỷ đồng), tạo việc làm cho khoảng 20.500 người lao động.
Nhiệm vụ chủ yếu trong lĩnh vực du lịch là xây dựng, phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn thành trung tâm du lịch biển có cơ sở vật chất hiện đại, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, khác biệt, có chất lượng cao, có thương hiệu, uy tín, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế. Thu hút đầu tư phát triển mạnh các loại hình du lịch biển: sinh thái, cộng đồng, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, văn hóa, tâm linh, MICE. Tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh các dự án vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế, các dự án bảo vệ môi trường khu du lịch theo quy hoạch. Chú trọng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, đặc biệt là khách sạn 5 sao, các khu vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, trung tâm hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện đẳng cấp quốc tế. Nghiên cứu, phát huy các di tích lịch sử, cách mạng thành điểm đến yêu thích của du khách; phát triên mô hình du lịch nông thôn nhằm đa dạng sản phẩm và mở rộng không gian du lịch. Có cơ chế, chính sách hiệu quả hỗ trợ phát triển du lịch, tập trung vào thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; phát triển sản phẩm; phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá, hợp tác du lịch; đạo tạo phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về du lịch; củng cố tổ chức bộ máy các cấp; rà soát, đánh giá, sắp xếp, tuyển chọn, bố trí, đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển bứt phá của địa phương.
Thanh Hoàng