Ngành du lịch TP HCM cần có những sản phẩm đột phá, mang dấu ấn, xứng tầm với vị thế nhằm tạo lợi thế cạnh tranh so với các điểm đến khác
Đó là một trong những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp sẽ mang đến Hội nghị kích cầu du lịch TP HCM năm 2020 do Sở Du lịch TP tổ chức hôm nay 9-6.
Sau giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều gia đình ở TP HCM bắt đầu dẫn con nhỏ hoặc rủ bạn bè đi trải nghiệm buýt đường sông, hưởng không khí mát mẻ, trong lành.
Trước nhu cầu gia tăng, Công ty TST tourist cho biết đang có kế hoạch xây dựng tour hằng tuần đối với sản phẩm khám phá điểm đến TP gồm tour trải nghiệm buýt đường sông từ Bến Bạch Đằng - Bảo tàng Áo dài - Khu Du lịch BCR và tour nông nghiệp xanh trải nghiệm Khu Nông nghiệp kỹ thuật công nghệ cao Củ Chi bằng ôtô.
"TP có rất nhiều tiềm năng để phát triển, chúng tôi sẽ từng bước hiện thực hóa các dòng sản phẩm từ 1 ngày trở lên, không chỉ phục vụ khách quốc tế mà còn cả người dân trên địa bàn và các tỉnh, thành lân cận. Đây cũng là mục tiêu ngành du lịch TP hướng đến trong chính sách liên kết đa chiều với các tỉnh, thành Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ" - ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông TST tourist, cho hay.
Tour Biệt động Sài Gòn là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của TP HCM hiện nay
Một sản phẩm du lịch khác của TP vừa được tái khởi động sau thời gian giãn cách xã hội là tour Biệt động Sài Gòn. Theo Công ty Lữ hành Fiditour, thời điểm Tết nguyên đán 2020, công ty đã tổ chức cho nhiều đoàn khách quốc tế tham quan những điểm đến lịch sử này. Đặc biệt, dịp 30-4 vừa qua, Lữ hành Fiditour đưa tour Biệt động Sài Gòn làm sản phẩm trọng điểm cho hoạt động kích cầu du lịch trên địa bàn TP. Khách tham gia tour thường là các đoàn thể, nhóm khách cán bộ hưu trí, Đoàn Thanh niên, tổ chức Công đoàn của nhiều công ty…
"Chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực của khách hàng, bởi giữa lòng TP hơn 300 năm vẫn còn lưu lại rất sống động nhiều di tích quý báu về một thời Biệt động Sài Gòn oanh liệt. Tháng 5 vừa qua, công ty đã kết hợp với cơ quan chủ quản các di tích Biệt động Sài Gòn để tọa đàm về kế hoạch phát triển điểm đến nhằm khai thác đa dạng hơn nữa về thành phần và số lượng khách" - ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, chia sẻ.
Hiến kế cho du lịch TP HCM bứt phá trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, nhận định TP HCM vốn là điểm đến hấp dẫn trong vai trò là đầu tàu kinh tế. Do đó, vai trò kết nối của TP với các vùng lân cận và chuẩn bị sản phẩm với sự khác biệt sau dịch Covid-19 là rất quan trọng để kích cầu thật sự hiệu quả. Đồng thời, TP cần đẩy mạnh liên kết vùng để kéo khách đến TP và các địa phương lân cận, qua đó TP trở thành trung tâm du lịch của cả vùng. Bộ sản phẩm du lịch của TP cũng cần định hướng, tiêu biểu như về đêm du khách sẽ trải nghiệm gì? Còn ban ngày thì di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… ra sao, cần được triển khai đồng bộ.
"Đến giờ, TP vẫn chưa có chợ đêm đúng nghĩa. Như khu chợ đêm Bến Thành cần tổ chức sắp xếp lại, mở cửa chợ đến 20 giờ hoặc tổ chức lại không gian ở hai bên hông chợ thay vì để như hiện nay. Ngay phố đi bộ Bùi Viện, đây cũng là thời điểm vàng để tổ chức, sắp xếp lại sản phẩm du lịch này đúng nghĩa phố đi bộ" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
Trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch, ông Huỳnh Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Ngôi Sao Biển Sài Gòn, cho rằng với vị thế, vai trò của TP cần sản phẩm đúng tầm, đúng vị thế, như cầu Vàng ở Đà Nẵng, Safari ở Phú Quốc, lễ hội bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng hay đường đua F1 của Hà Nội… "Sở Du lịch TP có thể ngồi lại với các quận - huyện, tìm ra sản phẩm rồi nâng tầm lên để phát triển sản phẩm du lịch ngang tầm, đủ sức tạo sự mới mẻ, hấp dẫn. Ngành du lịch TP cần xác định trọng tâm, có cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư của xã hội để xây dựng sản phẩm đúng tầm, tương xứng với vị thế của TP" - ông Huỳnh Văn Sơn phân tích.
Bài và ảnh: Thái Phương